in

Tokyo Ghoul – “Cá lớn nuốt cá bé” và hành trình bảo vệ cái thiện

Nếu là một otaku hẳn bạn đã không còn xa lạ với cái tên “Tokyo Ghoul” hay “Đông Kinh thực chủng”, “Ngạ quỷ Tokyo”, một bộ manga đình đám đã được chuyển thể thành cả anime và live action. Ngoài kagune – vũ khí của các ghoul, những chiếc mặt nạ đầy ấn tượng, những pha hành động kịch tính giữa ghoul với ghoul, ghoul với người thì bộ truyện còn hấp dẫn khán giả bởi chính nội dung của nó, bởi hành trình bảo vệ cái thiện đầy gian nan và triết lý nhân sinh “cá lớn nuốt cá bé” được thể hiện một cách trực tiếp, sinh động và cũng đầy ám ảnh nhất.

Kaneki Ken – kẻ yếu hóa mạnh

Một trong những điểm nhấn của “Tokyo Ghoul” là nhân vật chính Kaneki Ken. Khác với các nhân vật chính thường thấy – có sức mạnh, có tư chất phi phàm, xuất thân hiển hách, mang trong mình nhiệm vụ, trách nghiệm cao cả, Kaneki ban đầu chỉ là một người bình thường đến mức tầm thường, một sinh viên đại học không có gì nổi bật về cả tính cách lẫn thành tích. Kaneki khi đó chỉ là một chú “cá con”, một kẻ yếu không hơn không kém. Nhưng rồi cuộc hẹn hò định mệnh với Rize – một Ghoul ẩn mình giữa thế giới loài người, đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống bình yên của Kaneki, biến cậu trở thành ngạ quỷ ăn thịt. Từ việc phải vật lộn đấu tranh giữa ăn hay không ăn thịt người, Kaneki đã dần dần trở nên mạnh mẽ để chiến đẩu bảo vệ những người cậu yêu quý, từ một kẻ bị săn đuổi cậu đã từng bước từng bước trở thành kẻ săn mồi, từ “cá con” thành “cá mập”. 

Sức hấp dẫn của Kaneki đến từ tính chân thật của nhân vật – một người bình thường như bao người. Tuy không phải là “nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình” nhưng lại là “nhân vật điển hình” trong cuộc sống, một main gần gũi thân thuộc như chính bản thân mỗi chúng ta, khiến người đọc như thấy được chính mình ở Kaneki, từ đó càng thấu hiểu và muốn đồng hành cùng cậu. Kaneki-kun không hề xuất sắc, không được buff sức mạnh ngay từ đầu, phải chịu đựng đau đớn, bất công nhưng đã tự mình trở thành cường giả, một nhân vật chính như vậy dường như thuyết phục hơn một thiếu niên ngây thơ lúc nào cũng vui vẻ thích gì làm nấy không sợ trời chẳng sợ đất hay là một người rơi xuống núi nhặt được bí kíp võ công, rơi xuống sông gặp được sư phụ siêu đẳng.

 Triết lý “cá lớn nuốt cá bé

Triết lý “cá lớn nuốt cá bé” được thể hiện một cách trực tiếp nhất trong “Tokyo Ghoul” – kẻ yếu sẽ bị kẻ mạnh ăn thịt, con người là thức ăn của Ghoul. “Ghoul” trong tiếng Anh là ngạ quỷ, quỷ hút máu nhưng nếu chỉ hút máu theo motip “vampire” thì truyện đã không ấn tượng đến vậy. Hình ảnh con người bị Ghoul xé xác phanh thây cắn nuốt từng bộ phận so với chỉ dùng răng cắn để hút máu thì càng sinh động, tàn nhẫn và ám ảnh hơn nhiều. 

Màu sắc u tối của bộ truyện cũng phản ánh hiện thực tàn khốc của thế giới này: nếu bạn không trở thành kẻ mạnh, bạn sẽ bị kẻ khác “ăn thịt”. Trong một xã hội phát triển nhưng hà khắc như Nhật Bản, quy luật này dường như lại càng được thể hiện rõ ràng hơn bao giờ hết khi mà tỷ lệ tự tử ở Nhật luôn cao nhất thế giới, từ thanh thiếu niên cho đến người trung niên. Thứ áp lực luôn phải cố gắng phấn đấu ấy khiến người ta đau đớn gục ngã mà không thể nói ra và cuối cùng là lựa chọn cái chết như một cách giải thoát trước khi bị nuốt chửng, hoặc cũng có thể hành động tự sát ấy thể hiện những con mồi đã bị ăn thịt một cách vô hình tự bao giờ.

Và hành trình bảo vệ cái thiện

Để bảo vệ cái thiện, bảo vệ công lý việc đầu tiên Kaneki làm là chiến đấu với chính bản thân mình. Đây là cuộc chiến đầu tiên, cũng là cuộc chiến khó khăn nhất bởi chỉ cần một giây yếu lòng Kaneki sẽ vì sinh tồn mà ăn thịt những người đã từng chung giống loài với mình. 

Theo lý thuyết về động lực hành vi của Maslow thì nhu cầu về thức ăn thuộc nhóm nhu cầu thể lý, là nhu cầu cơ bản nhất của con người, nằm ở dưới cùng và chiếm diện tích lớn nhất trong tháp nhu cầu. Và không chỉ với con người mà với bất kì sinh vật nào trên hành tinh này, việc thỏa mãn nhu cầu về thức ăn cũng mang ý nghĩa sống còn, là bản năng sống của mọi sinh vật. Nói đơn giản: không có ăn, bạn sẽ chết. Vì vậy mà trong lịch sử nhân loại đã từng có những trường hợp cha mẹ vì đói mà ăn thịt cả con cái của mình, hổ dữ không ăn thịt con nhưng loài người thì có.

Trong “Tokyo Ghoul” Kaneki và những ngạ quỷ ở quán cà phê Anteiku đã chiến đấu với nhu cầu cơ bản nhất này của mình để không ăn thịt những người đã từng là đồng loại, ít nhất là khi họ vẫn còn sống. Điều này trái ngược với bản năng, thứ bị điều khiển bởi nguyên lý thỏa mãn luôn thôi thúc tìm kiếm sự dễ chịu, thoải mái ngay tức khắc. Vậy nên ngay cuộc chiến đầu tiên này đã là cuộc chiến một mất một còn, vì chính nghĩa của bản thân nhưng kẻ thù cũng là chính bản thân mình. Vật lộn giữa sống chết, giữa việc ăn thịt hay giữ lại chút tính người cuối cùng, Kaneki đã giữ vững nguyên tắc của mình – không ăn người sống, chỉ ăn người chết – thỏa mãn một phần bản năng để sinh tồn nhưng không để bị nó chi phối. Có bao nhiêu Ghoul có thể làm được như Kaneki? Và có bao nhiêu người có thể lựa chọn không “ăn thịt” những kẻ yếu hơn vì lợi ích, để củng cố sức mạnh, quyền lợi của mình?

Ngay cả khi bắt buộc phải hắc hóa, Kaneki cũng lựa chọn ăn thịt những Ghoul khác chứ không phải ăn thịt người, khi trở thành kẻ săn mồi, “cá lớn”, kẻ mạnh, Kaneki cũng lựa chọn bảo vệ loài người yếu thế chứ không phải là nuốt chửng họ. Đã từng là người, đã từng là kẻ yếu nên dù có mạnh lên, dù đã thay đổi vị trí trong chuỗi thức ăn nhưng lý tính của Kaneki không hề thay đổi, vẫn giữ đạo làm người dù cho giờ đây loài người đã không còn chào đón cậu nữa. Từ đầu đến cuối Kaneki vẫn luôn kiên định với nguyên tắc của mình, dù cho phải trải qua không ít dày vò, đau đớn, khó khăn, dù có bị cuộc đời ép vào bước đường cùng phải trở thành “cá mập” thì Kaneki-kun vẫn là kẻ mạnh có nguyên tắc, một kẻ mạnh không ăn thịt kẻ yếu, không dùng kẻ yếu làm đá lót đường. Trong thế giới của Kaneki không chỉ có kẻ mạnh mới có thể tồn tại, “cá lớn” cũng không nhất thiết phải “nuốt cá bé”.

Duy trì chính nghĩa và cái thiện là một cuộc đấu tranh không hề dễ dàng, đấu tranh với thế giới ngoài kia đã khó, đấu tranh với chính mình lại càng khó khăn hơn gấp bội. Hoàn cảnh dù tác động lên bạn thế nào thì người đưa ra quyết định cuối cùng vẫn là bạn và chỉ có bạn.

Còn loài người thì sao?

Đối mặt với cái chết, bản năng sống của “cá bé” cũng trỗi dậy mạnh mẽ, loài người trong “Tokyo Ghoul” cũng không ngồi yên chịu chết, họ tạo ra thứ vũ khí gọi là quinque từ chính các Ghoul đã bị tiêu diệt để tiêu diệt các Ghoul khác.

Thanh tra CCG với quinque làm từ Ghoul

Hoạt động theo nguyên tắc “tiên hạ thủ vi cường”, CCG hay “Bồ câu” tìm và diệt nhiều ghoul nhất có thể, “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót”. Với loài người, Ghoul giống như muỗi vậy, cho dù chưa bị muỗi đốt nhưng cứ nhìn thấy muỗi ở xung quanh là sẽ muốn giết. Cũng có những con muỗi được nuôi cấy để nghiên cứu, phục vụ lợi ích của con người, giống như Ghoul không chỉ được lấy làm quinque mà còn được tuyển dụng vào CCG để chiến đấu trực tiếp với những Ghoul khác. Khi những kẻ yếu thế bị dồn đến chân tường, họ buộc phải trở nên mạnh mẽ để tồn tại, người cũng vậy, Ghoul cũng thế nhưng sự truy lùng vô tội vạ của CCG vô tình đẩy những ngạ quỷ vẫn còn tính người vào chỗ chết, buộc họ phải ăn thịt người để bảo vệ chính mình. Khi con người trở nên mạnh mẽ để bảo vệ bản thân, họ cũng đồng thời ép kẻ thù của mình trở nên tàn nhẫn, độc ác hơn. Nếu cứ như vậy cuộc chiến giữa người và Ghoul khi nào mới kết thúc? Hai bên đều ép nhau thì liệu bên nào sẽ “ác” hơn?

Kết 

“Cá lớn nuốt cá bé” là quy luật sinh tồn của tự nhiên nhưng cũng là một loại lựa chọn. Chỉ kẻ mạnh mới có thể tồn tại, nhưng giống như Kaneki, chúng ta có thể lựa chọn trở thành kẻ mạnh như thế nào.

“Tokyo Ghoul” tái hiện một cách chân thật nhất thế giới này, cho chúng ta thấy một người bình thường cũng có thể trở nên mạnh mẽ, vĩ đại. Dù thế giới đầy rẫy đau khổ và bất công nhưng những điều tốt đẹp vẫn luôn tồn tại, và lựa chọn nằm trong tay của chính chúng ta.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

What do you think?

Cô Dâu Thảo Nguyên mang bản sắc văn hóa Trung Á vào trong truyện tranh

Grand Blue: Có gì ngoài sự hài hước và lầy lội?