in ,

The Tale of Princess Kaguya: Kiệt tác cuối cùng của Isao Takahata

Nếu đã là fan của hãng phim Ghibli nổi tiếng thì “The Tale of Princess Kaguya” sẽ là một sự lựa chọn mới lạ và xứng đáng để cho bạn thưởng thức. Đánh dấu sự trở lại sau những năm vắng bóng, Isao Takahata đã làm sống lại câu chuyện dân gian vào thế kỷ thứ 10 của xứ sở Phù Tang – Taketori Monogatari, vẫn tuân theo cách thức vẽ tay đặc trưng, hình ảnh trong phim giống hệt như những bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp uốn lượn theo từng chuyển động của nhân vật. Bộ phim cũng được đề cử cho hạng mục Phim hoạt hình xuất sắc nhất của Oscar 2015 với 8.0 IMDb. 

Kaguya-hime No Monogatari (The Tale Of Princess Kaguya)

Tên khác: Chuyện nàng công chúa Kaguya

Đạo diễn: Isao Takahata

Thể loại: Hoạt hình, Tình cảm, Tâm lý.

The Tale Of The Princess Kaguya – Official Trailer

Tóm tắt nội dung chính

Lấy bối cảnh nơi miền sơn cước của nước Nhật cổ xa xưa, có một lão tiều phu tên Okina chuyên đốn tre rừng mang ra chợ bán. Một ngày nọ, lão nhìn thấy một cây tre tỏa ra ánh sáng kì lạ, bên cạnh chỗ lão đang đứng bỗng mọc lên một búp măng trái mùa và bên trong là một nàng công chúa đáng yêu nhỏ bằng ngón tay út. Tin rằng đây là bảo vật mà tạo hóa đã ban tặng, ông đem cô bé về nhà cho người vợ Ounaa xem. Hai vợ chồng nghèo đều hiếm muộn và luôn mong muốn có một đứa con nên đã quyết định giữ cô bé ở lại và nuôi dưỡng cô, đặt tên cho cô là Kaguya. 

Lão tiều phu tìm thấy nàng công chúa nhỏ

Kaguya trở thành niềm hạnh phúc của đôi vợ chồng khi đã ở tuổi xế chiều

Vốn không phải là người bình thường nên Kaguya lớn nhanh như thổi, chẳng mấy chốc cô đã lớn bằng những đứa trẻ khác trong làng. Cô lớn nhanh như tre mọc nên những đứa trẻ khác thường hay gọi cô là “Mắt tre”, riêng cha cô thì vẫn luôn luôn gọi cô là “công chúa”. Cùng với không khí trong lành, thiên nhiên rộng lớn và những người bạn trong làng đã giúp Kaguya, người luôn thiếu thốn về mặt vật chất luôn có được niềm vui trọn vẹn về mặt tinh thần. Sutemaru, cậu bé lớn nhất trong đám trẻ ở làng luôn ở bên cạnh cô trong quá trình trưởng thành nên cả hai đã lặng lẽ nảy sinh tình cảm với nhau. Nhưng cuộc đời nào có yên ả như vậy vì từ lúc Kaguya đặt chân xuống dương gian thì số phận của cô đã được quyết định hết thảy…

Kaguya lớn lên cùng đám trẻ trong làng

Sutemaru – thanh mai trúc mã của Kaguya

Một hôm ông lão tìm được vô số vàng bạc châu báu nằm bên trong thân tre, ông mang về nhà và bàn bạc cùng vợ mình về ý định dọn đến Kinh đô sinh sống để cho Kaguya được sống đúng với cái danh xưng “công chúa” mà ông đã dành cho cô. Vì thế, khi lớn hơn một chút, Kaguya bắt buộc phải rời xa làng quê yên bình để đến Kinh thành bắt đầu sống một cuộc đời vương giả. Bị ép buộc sống trong khuôn khổ, Kaguya liên tục phải học theo những lễ nghi, phong thái cần có của một nàng công chúa dù trong lòng vẫn luôn nhớ về vùng đất tuổi thơ, nơi mà những ký ức dần dần phai nhạt. 

Nhiều năm qua đi, Kaguya trưởng thành và ngày càng trở nên xinh đẹp. Danh tiếng của cô đã lan xa ra khắp Kinh thành, các quý tộc đua nhau đến cầu hôn cô với mong muốn được một lần chiêm ngưỡng dung nhan tuyệt sắc mà người đời ca tụng. Họ so sánh cô với những báu vật huyền thoại mà nhan gian không thể có được nên Kaguya đã quyết định ra một đề thi: “Các ngài đều ví tôi tựa như những báu vật hiếm có kia. Nếu có người mang cho tôi được một thứ họ nói, tôi sẽ vui lòng trở thành “báu vật” của quý ngài đó.”

Một lần nghe được cha cô cùng những quý tộc khác nói về thân phận “công chúa” của mình tại bữa tiệc cung đình, Kaguya đã cảm thấy chán ghét và phẫn nộ, cô quyết định rũ bỏ tất cả những thứ xa hoa phù phiếm kia để tìm về ngôi làng ngày trước. Giữa cái lạnh mùa đông, Kaguya đã ngất xỉu và được một nàng tiên trên cung trăng mang về cung điện, từ lúc đó Kaguya đã nhận ra thân phận của mình. “The Tale of Princess Kaguya” kết thúc với khung cảnh đoàn người từ cung trăng mang nàng công chúa trở về cung điện và không bao giờ quay lại nơi trần thế đầy đau đớn kia nữa. 

“The Tale Of Princess Kaguya” và những gì Takahata muốn truyền đạt

Số phận và bản chất của con người nơi trần thế

Đầu tiên, ông lão tiều phu tìm được cô bé trong ống tre và đem về nuôi nấng chính là hình ảnh của mỗi sinh linh nhỏ khi bất ngờ đến với thế giới này. Tiếp theo, hình ảnh người cha tìm được vàng bạc, châu báu và cả gia đình trở nên giàu có sau một đêm chuyển tới Kinh thành chính là ẩn dụ cho các quan niệm của Túc mệnh luận, Định mệnh luận và Thiên mệnh luận(*).

Số mệnh của mỗi con người ngay từ lúc sinh ra cho đến lúc trưởng thành đều đã được định sẵn.

(*)Tham khảo “Quan niệm về số mệnh: Từ truyền thống phương Đông đến Phật giáo”: https://phatgiao.org.vn/quan-niem-ve-so-menh-tu-truyen-thong-phuong-dong-den-phat-giao-d43618.html#

Phân cảnh những đứa trẻ làng gọi Kaguya đang bập bẹ tập đi về phía của chúng bằng cái tên mà chúng đặt cho cô là “mắt tre”, cùng lúc đó người cha cũng liên tục vỗ tay gọi cô đi về phía mình nhưng là với cái tên “công chúa”. Chi tiết này như một điềm báo về số phận của Kaguya vì cô đã chọn đi về phía người cha của mình, ẩn dụ cho tương lai rằng Kaguya sẽ sống một cuộc sống xa hoa của một nàng công chúa chứ không phải là sự dân dã, bình yên của một cô bé vùng nông thôn.

Chi tiết ẩn dụ cho sự mâu thuẫn, nuối tiếc trong tâm hồn cũng xuất hiện trong bộ phim khá nhiều lần. Kaguya luôn từ chối việc trang điểm, học lễ nghi nhưng cuối cùng cũng phải quy hàng và chấp nhận làm theo sự áp đặt của cha mình. Kaguya bất lực bật khóc khi nhìn thấy Sutemaru bị đánh nhưng không thể cứu anh vì thân phận quyền quý của mình. Điều này cho thấy dù đúng dù sai, dù khao khát tự do thế nào đi nữa thì Kaguya sẽ luôn chọn cha cô và làm tròn bổn phận “chữ hiếu” của mình. Khung cảnh Kaguya trở về làng quê nhưng Sutemaru và đám trẻ làng đã rời đi cũng ẩn dụ rằng quá khứ dù có tốt đẹp đến đâu đi chăng nữa thì nó cũng đã kết thúc, tất cả sẽ chỉ còn là một giấc mộng được lưu lại trong tâm trí mỗi người. Mùa đông đi qua và mùa xuân sẽ đến, quá khứ sẽ luôn luôn nối tiếp tương lai. Có lẽ vì thế mà Kaguya đã chấp nhận quay về và tiếp tục sống một cuộc đời được định đoạt sẵn vì trong thâm tâm cô cũng mong rằng những ngày đau khổ rồi sẽ qua đi và nhường chỗ cho những ngày hạnh phúc. Nhưng đó cũng chỉ là mộng ước ngây thơ của những con người phàm tục vì những ngày ấy sẽ không bao giờ đến với Kaguya.

“Con người luôn luôn hoài niệm vì những gì đã qua, ta luôn luôn mơ mộng những điều không thực nhưng thực tại luôn trái ngược với những gì ta mong muốn. Cuối cùng, tâm hồn của những con người nơi trần thế đều chất chứa sự dằn vặt, sự nuối tiếc về những giấc mộng không thành.”

Những nét vẽ của “The Tale Of Princess Kaguya” là những gì được bàn tán nhiều nhất xuyên suốt bộ phim. Đường nét thô sơ và trông giống như chưa hoàn thiện chính là rào cản lớn ảnh hưởng đến doanh thu phòng vé của “The Tale Of Princess Kaguya”. Nhưng hãy thử nghĩ kĩ lại xem, những nét vẽ chưa hoàn thiện và có phần thô sơ, nguệch ngoạc đó đang tượng trưng cho những bản chất trong con người chúng ta, vì bản chất của con người vốn dĩ chính là không hoàn thiện. Không nhân vật nào trong bộ phim được khắc họa một cách hoàn mỹ, kể cả Kaguya. Người ta vẫn thường ca tụng Kaguya là một nàng công chúa có nhan sắc tuyệt mỹ, nhưng trong bộ phim nàng cũng chỉ được minh họa bằng những nét nữ tính đặc trưng đủ để giúp nàng nổi bật hơn so với các nhân vật khác thôi.

Dù cao quý hay trông hoàn hảo đến đâu, con người vẫn sẽ luôn tồn tại những khuyết điểm để bản thân phải luôn tìm cách lấp đầy nó cho đến khi nó được hoàn thiện.

Những rào cản, luật lệ trói buộc lấy người phụ nữ trong xã hội phong kiến

Hình ảnh Kaguya bị trói buộc trong những khuôn phép, chuẩn mực của xã hội là tượng trưng cho hình ảnh của người phụ nữ trong thời kỳ phong kiến luôn luôn sống trong sự cổ hủ, chịu đựng những phong tục, lễ giáo bao vây đến hết cuộc đời mình. Ta có thể thấy rõ vào những lúc Kaguya tìm cách hòa mình vào thiên nhiên hay những chốn không người để tận hưởng cuộc sống thì sẽ luôn luôn có người ngăn cô lại, vì đối với họ nhưng thứ đó là không đúng với tác phong của một nàng công chúa. Chính vì thế Kaguya đã tự tạo cho mình một khu vườn nhỏ, nơi cô tái tạo lại một thế giới cho riêng mình nhưng rồi chính cô cũng đã tự tay phá bỏ nó khi cô nhận ra những hào nhoáng, địa vị dành cho cô tất cả đều là giả tạo và phù du. Và sự kìm nén, chịu đựng khi phải sống trong một thế giới giả tạo như một món đồ vật lâu ngày cũng đã đến lúc phải bộc phát.

“Khu vườn này là giả! Tất cả đều là giả, và cả con cũng vậy!”

Chấp nhận sống bó buộc nhưng có được vinh hoa phú quý hay một cuộc sống bình yên nơi núi rừng nhưng đổi lại là sự nghèo túng và thiếu thốn, sự lựa chọn nào mới thật sự mang đến hạnh phúc cho Kaguya? Khi đến 2/3 bộ phim, Kaguya gần như không còn định hướng rõ ràng về cuộc đời của mình nữa, cô gần như để mặc mọi người quyết định tất cả mọi việc cho mình và để thời gian trôi qua một cách vô nghĩa. Liệu Kaguya có quá nhu nhược khi để cho người khác tự ý quyết định cuộc đời của cô như thế? Câu trả lời là không. Kaguya đã từng đứng dậy và chạy trốn khỏi những xa hoa, quyền quý mà cô đang sở hữu để tìm về nơi chốn làng quê ngày xưa nhưng tất cả chỉ còn là kỉ niệm vì thời gian không chờ đợi một ai cả. Hay hình ảnh Kaguya từ chối mọi lời cầu hôn của những nhà quý tộc đến từ khắp Kinh thành, điều đó tượng trưng cho phong trào đấu tranh nữ quyền trong xã hội ngày nay. Mỗi một người phụ nữ sống trong bất kì thời đại nào đều được nhận quyền lợi và sự tôn trọng mà họ xứng đáng phải có được. Như Kaguya, cô xứng đáng sống một cuộc đời tự do và nhận những gì tốt đẹp hơn là bị ép buộc gả vào một gia đình hào môn nào đó để đổi lấy vinh hoa phú quý. Kaguya đưa ra những thử thách về lễ vật cầu hôn không đơn giản chỉ là tìm kiếm chân thành trong tình yêu, nó vạch trần sự si mê, khao khát của những kẻ tham luyến những gì không thuộc về mình. Loài người luôn tìm mọi cách tranh giành và mơ mộng sở hữu được những thứ không thật chỉ để thỏa mãn sự hơn thua. 

Tình yêu sẽ chỉ còn là hồi ức nếu như ta bỏ lỡ

Trong văn học phương Đông từ xưa đến nay, những câu chuyện tình duyên giữa con người và thần tiên đa phần đều không nhận được kết cục tốt đẹp, chẳng hạn như Ngưu Lang – Chức Nữ. Kaguya cũng vậy vì cô vốn dĩ đâu phải là người phàm, cô cũng đã từng có những cảm xúc khác biệt với thanh mai trúc mã của mình là Sutemaru. Những gì mà chúng ta luôn cho rằng nó là của ta và ta tin tưởng rằng khi ta tìm về hiển nhiên nó sẽ còn ở đó nhưng thực chất nó đã thay đổi. Khi Kaguya nhận ra thời gian mình ở lại trần gian đã không còn bao nhiêu, lúc này cô mới bất chấp tất cả đi tìm Sutemaru cùng anh bỏ trốn và hướng tới một cuộc sống tự do. Cũng như cô đã nói “Đã quá trễ rồi”, trong những năm cô dằn vặt với chính bản thân mình thì cô đã vô tình đánh mất tình yêu của mình. Nếu ngày đó Kaguya bất chấp tất cả xuống kiệu và dùng quyền lực của một công chúa để cứu lấy Sutemaru, cùng anh bỏ trốn thì cuộc đời của cô liệu có rẽ sang trang khác? Khoảnh khắc cô hối hận và tìm lại tình yêu cho mình thì đã quá muộn màng vì Sutemaru lúc này đã có vợ có con rồi.

Khung cảnh Sutemaru cũng quyết định bất chấp tất cả để bỏ trốn cùng Kaguya, hai người đã gạt sang tất cả những chướng ngại của hai thế giới khác biệt và kết nối lại với nhau, lúc này trái tim Kaguya như được sống lại. Khi hai người cùng nhau bay lượn trên bầu trời, băng qua những cánh rừng, lướt đi trên mặt nước cũng chính là lúc Kaguya được tận hưởng cuộc sống thật sự mà cô luôn khao khát – một cuộc sống tự do. Nhưng khi lướt trên bầu trời đêm và mặt trăng bắt đầu xuất hiện, Kaguya lúc này đã cảm thấy hối hận vì cô biết thời gian mình ở lại dương thế đã không còn nữa. Khoảnh khắc cô buông tay Sutemaru và anh bất chợt tỉnh lại nhìn thấy vợ con mình đã đánh tan những mong muốn khác lạ đang nhen nhóm trong nội tâm anh. Nếu nói về tình yêu thì Kaguya và Sutemaru không sai nhưng thời điểm họ tìm về nhau đã là quá muộn màng, nếu Sutemaru lún sâu hơn nữa thì nó sẽ trái với luân thường đạo lý. Mình hoàn toàn không tán thành với suy nghĩ bỏ trốn cùng Kaguya của Sutemaru, dù cho nó chỉ tồn tại trong phút giây ngắn ngủi. Suy cho cùng, mối tình đầu dù có đẹp đẽ đến thế nào đi nữa thì nó cũng sẽ mãi mãi dừng lại trong hồi ức nếu như quá khứ ta đã vô tình rời bỏ nó chỉ trong một khoảnh khắc.

Kaguya tận hưởng phút giây mà cô được “sống”

Kaguya hoảng sợ khi nhìn thấy mặt trăng

Mối quan hệ trong gia đình

“The Tale Of Princess Kaguya” còn phản ánh mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, điển hình là những mâu thuẫn thường thấy giữa cha mẹ và con cái trong xã hội hiện nay. Đó là sự trái ngược giữa những mong muốn của cha mẹ và nguyện vọng của con cái. Những người làm cha, làm mẹ luôn nghĩ rằng bản thân họ đang mang đến những điều tốt nhất cho con cái nhưng họ lại quên mất điều đơn giản nhất chính là thấu hiểu chúng thật sự cần gì. Có rất nhiều trường hợp những đứa trẻ phải ép mình thay đổi bản thân để thỏa hiệp với mong muốn của cha mẹ, nhưng các bậc phụ huynh lại không hề hay biết rằng tâm hồn của con trẻ đang dần dần chết đi. Như người cha cho đến phút cuối cùng mới hối hận vì đã áp đặt những điều mà ông cho là đúng lên người Kaguya thì cũng đã muộn màng, ông không thể giữ chân cô “công chúa” của mình được nữa.

Người gần gũi và thấu hiểu Kaguya nhất chính là người mẹ. Ta có thể thấy những lúc Kaguya trở nên sụp đổ và hoảng loạn nhất, bà luôn là người bên cạnh vỗ về và động viên cô. Đạo diễn Takahata đã khéo léo lồng ghép những phân đoạn Kaguya ở một mình thì từ xa sẽ luôn có bóng lưng hiu quạnh của người mẹ già dõi theo cô con gái của mình. Bà cũng biết những gì mà người cha áp đặt lên Kaguya là sai nhưng bà chẳng thể phản kháng hay đứng ra bênh vực Kaguya, điều duy nhất bà có thể làm chính là an ủi và dõi theo từng bước chân của con gái mình.

Nếu như hỏi rằng “The Tale Of Princess Kaguya” có nhân vật nào là phản diện hay không thì có lẽ ai cũng sẽ trả lời đó là người cha. Ta có thể nói như vậy vì người cha chính là người đã áp đặt những gì mà ông cho là đúng lên người Kaguya và ép cô phải thực hiện nó. Ban đầu xuất phát từ tình yêu thương con gái mình và mong muốn cho con có một cuộc sống đầy đủ nhất, nhưng vô tình tiền tài đã khiến những điều đó trở nên méo mó khi ông cũng bị mờ mắt và cuốn vào những xa hoa, cám dỗ của cuộc sống thượng lưu. Nhưng, nếu nhìn theo một khía cạnh khác thì cũng không có ai dành tình thương cho Kaguya nhiều hơn cha cô. Ông là người đã tìm thấy cô trong khu rừng và mang về nuôi nấng, xem cô như con ruột của mình, cố gắng lo cho cô tới nơi tới chốn dù hoàn cảnh có khó khăn đến thế nào đi nữa. Khi nghe tin Kaguya sẽ phải trở về mặt trăng, ông đã biến cả dinh thự này trở thành pháo đài chỉ để giữ chân Kaguya, dù biết rằng nó là vô ích nhưng ông vẫn cố bám víu vào những hy vọng nhỏ nhoi nhất để có thể giữ lại con gái. Ai là người có lỗi với ai cũng không còn quan trọng nữa, Kaguya đã cố gắng tránh khỏi việc khoác chiếc áo choàng lên người (khi khoác chiếc áo vào Kaguya sẽ quên hết ký ức nơi trần thế) để về ôm lấy cha mẹ mình một lần cuối cùng.

Cái chết có thể đến với ta bất cứ lúc nào

Một điều đáng buồn mà tất cả chúng ta đều đã biết, con người chỉ thực sự bắt đầu tìm cách sống đúng nghĩa khi họ cảm nhận được hơi thở của cái chết đến gần. Như đạo diễn Takahata đã nói, việc đoàn người nhà trời đến đón Kaguya trở về mặt trăng, trên thực tế chính là ẩn dụ của cái chết. Tiếng nhạc kèn vang lên trong khoảnh đưa rước công chúa, hòa lẫn là tiếng kêu khóc của đôi vợ chồng già khiến ta không khỏi liên tưởng tới khung cảnh của một đám tang. Mặc cho bao nhiêu quân lính giương vũ khí chống trả, đoàn người vẫn đến mang Kaguya đi hết sức nhẹ nhàng. Cái chết sẽ luôn đến với ta một cách không khoan nhượng, dù có biết trước thì ta cũng sẽ không thể nào ngăn nổi số phận. Cuộc sống này là vô hạn nhưng sinh mệnh của con người thì lại là hữu hạn, vì vậy mỗi một giây phút mà chúng ta được sống đều trân quý vô cùng. Dù nhân gian này có ô uế, có đau khổ thế nào đi nữa thì việc duy nhất mà con người có thể làm là tận hưởng cuộc sống khi còn có thể và sống cho thật là đúng đắn. Như vị tiên nữ khoác áo choàng cho Kaguya đã nói: 

“Trong sự thanh khiết của Cung Trăng, ngươi sẽ bỏ lại nỗi đau và sự ô uế của thế giới này.”

Sự gắn bó giữa thiên nhiên và con người

Trong “The Tale Of Princess Kaguya”, tre giữ vai trò kết nối con người đến với tự nhiên và thế giới tâm linh huyền bí. Ta có thể thấy những gì xoay quanh Kaguya đều liên quan đến tre. Ông lão tìm thấy Kaguya và vàng bạc trong đốt tre, những đứa trẻ làng cũng gọi cô là “mắt tre”. Và việc cô được sinh ra trong đốt tre như một sự liên quan mật thiết giữa con người với thiên nhiên vậy. Giữa phim cũng có một vài yếu tố liên quan đến văn hóa, cụ thể là khoảnh khắc Kaguya chuyển lên Kinh thành sinh sống, đó là khoảnh khắc chuyển giao từ yếu tố tự nhiên sang yếu tố văn hóa. Thiên nhiên luôn tồn tại một vòng tuần hoàn, khoảnh khắc mùa đông biến mất để nhường chỗ cho mùa xuân là lúc mà lão tiều phu gặp được Kaguya. Sinh ra và lớn lên cùng với thiên nhiên, linh hồn và thể xác của Kaguya hoàn toàn gắn kết với mảnh đất này. Bài đồng dao xuất hiện xuyên suốt lúc Kaguya chập chững tập đi cho đến khi cô tạm biệt trần gian đã thể hiện trọn vẹn tinh thần của bộ phim.

“Chim chóc, sâu bọ cùng với những con thú

Cỏ, cây cùng với hoa

Cây ra hoa, ra trái, và rồi tàn đi

Người sinh ra, lớn lên, rồi cũng mất đi

Cơn gió kia thì vẫn cứ thổi

Hạt mưa nọ thì vẫn cứ rơi

Bánh xe nước cứ xoay vòng quanh

Đời người đến và rồi cũng đi.”

Lời kết

Về hình ảnh thị giác và âm thanh

Có khá nhiều người không thích cách hoạt họa trong phim cho lắm, đó là lý do “The Tale Of Princess Kaguya” không hợp thị hiếu của nhiều khán giả, nhưng những nét vẽ thì hoàn toàn phù hợp với không khí mà bộ phim đem lại. Từng khung hình của phim đều được vẽ tay bằng than chì và màu nước, những mảng màu đều cân đối và hài hòa. Tuy không quá cầu kì hay trau chuốt như những bộ phim khác của Ghibli nhưng nó mang lại sự sáng tạo và chân thật trong từng khung cảnh, đủ để truyền tải cảm xúc nhân vật và thông điệp đến với khán giả. Cách xử lý hình ảnh và âm thanh trong bộ phim rất chuyên nghiệp, hoạt họa xuất sắc phù hợp với những yếu tố cần có cho một câu chuyện cổ tích dân gian, âm thanh lồng ghép khơi gợi được cảm xúc của khán giả qua từng khung cảnh. Và nhạc nền do nhạc sĩ Joe Hisaishi biên soạn vẫn luôn là một cái gì đó không thể thiếu với những bộ phim của Ghibli. Điểm cộng cho phim được nằm ở phần âm thanh vì được đầu tư rất kỹ lưỡng, dễ dàng mang khán giả cuốn theo cái hồn mà bộ phim mang lại. 

Lời cảm ơn đến đạo diễn Takahata

Nói thật lòng thì ngay từ ban đầu thì hoạt họa của phim là yếu tố chính đã khiến mình bỏ qua “The Tale of Princess Kaguya”. Nhưng giờ đây mình chắc chắn sẽ nói rằng “The Tale of Princess Kaguya” chính là một kiệt tác mà ai cũng nên xem một lần. Isao Takahata đã mang chúng ta quay về nước Nhật thời xưa cổ để cùng lắng nghe câu chuyện về số phận của một nàng công chúa thông qua lăng kính thực tại nhưng huyền ảo. Hành trình của Kaguya là hành trình tìm lại những giá trị tốt đẹp nhất của chốn hồng trần này. Cô đến nhân gian với sự thuần khiết, sự tò mò và rồi rời đi trong sự đau khổ và day dứt nhưng chưa từng tỏ ra oán hận thế giới này. Isao Takahata để lại những ẩn dụ và thông điệp xuyên suốt bộ phim để khán giả có thể nghiền ngẫm và tìm ra được chân giá trị bên trong nó.“The Tale Of Princess Kaguya” là giai điệu hoàn hảo cho sự nghiệp cuối đời của Isao Takahata, là tuyệt phẩm điện ảnh trong trái tim những người yêu mến tác phẩm của ông.

Một lần nữa, xin được cảm ơn cố đạo diễn Isao Takahata!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

What do you think?

11 Points
Upvote Downvote

Mèo buồn ngủ

Mẹ Của Nobita và Doraemon