in

Nhân vật Nanami trong Thổ Thần Tập Sự – Yêu hay ghét?

Cặp đôi Nanami và Tomoe là một cặp đôi nổi tiếng trong cộng đồng fan manga thể loại shoujo ngày trước. Tuy nhiên, trái với niềm yêu thích nồng nhiệt mà mọi người dành cho nhân vật nam chính Tomoe, nhân vật Nanami trong Thổ Thần Tập Sự lại gây ra nhiều tranh cãi. Có khá nhiều người tỏ ra không thích cô nàng với nhiều lý do khác nhau.

Nanami là nữ chính gây nên tranh cãi

Nanami là nữ chính gây nên tranh cãi

Nanami là ai?

Nanami là nhân vật nữ chính trong truyện Thổ Thần Tập Sự. Cô có thời thơ ấu trắc trở khi mẹ mất sớm còn bố thì nghiện cờ bạc không quan tâm đến con. Đến khi lớn lên, bố cô bỏ nhà đi để lại cô với một khoản nợ lớn. Lúc này, nhân duyên đã đưa đẩy Nanami, một con người trở thành một thổ thần và gặp Tomoe, linh thần của đền Mikage.

Nanami và linh thần Tomoe

Nanami và linh thần Tomoe

Nanami – nên yêu hay nên ghét?

Để nói về nhân vật này, có rất nhiều ý kiến trái chiều. Dù vậy, các ý kiến chủ yếu đều đến từ nét tính cách của Nanami.

Mặt tốt

Khi đọc truyện, chúng ta phải thừa nhận rằng Nanami là một cô gái rất tích cực và kiên cường. Mặc cho cô có bị hoàn cảnh vùi dập đến thế nào, ánh mắt và nụ cười của Nanami chưa bao giờ mất đi hy vọng.

Chính nhờ đặc điểm này và một năng lực đặc biệt đó là nhìn ra được cái tốt thẳm sâu trong mỗi người, mỗi linh hồn, Nanami đã cảm hóa được rất nhiều nhân vật xuất hiện trong truyện, đặc biệt phải kể đến là Mizuki – linh thần thứ hai của cô và Akura-Ou – một youkai lạnh lùng, tàn ác đến nỗi chính Tomoe là kẻ đã làm bạn bao năm cũng không tin hắn ta có thể cải tà quy chính. Thế nhưng Nanami lại làm được.

Một tính cách tốt khác của Nanami là sự nhiệt tình, phóng khoáng và tốt bụng. Dù cho là mới gặp, nhưng cô không bao giờ ngại phải giúp đỡ, càng không tính toán chi li với ai bao giờ. Thậm chí, cô liên tục vào sinh ra tử để giải quyết những khúc mắc trong lòng họ. Sự tốt bụng của Nanami đã được đền đáp bằng một tình yêu và rất nhiều người bạn mới.

Sự tốt bụng đã dẫn lối cho Nanami có được một tình yêu đẹp

Sự tốt bụng đã dẫn lối cho Nanami có được một tình yêu đẹp

Với những tính cách trên, bạn đã hình dung ra được Nanami là một cô gái như thế nào chưa? Nhưng chả có ai là hoàn hảo cả đúng không. Vậy nên giờ mình sẽ xem xem mặt xấu của Nanami như thế nào mà lại gây ra tranh cãi lớn như thế nhé.

Mặt xấu

Ở trên mình có nói rằng Nanami rất nhiệt tình và tốt bụng. Cô sẵn sàng giúp đỡ người mới quen dù biết nó khó khăn và nguy hiểm. Vậy bạn đã biết điểm xấu của Nanami ở đâu chưa?

Tốt bụng quá mức

Sự tốt bụng và phóng khoáng chính là con dao hai lưỡi của Nanami. Việc Nanami dễ dàng liên tục đem mạng sống của mình ra để giúp một người cô chỉ vừa mới quen cách đây ít phút cho thấy cô dường như không yêu bản thân hoặc là quá dựa dẫm và tin tưởng vào khả năng sẽ lại được Tomoe đến cứu. Ngay cả khi cô đã biết bản chất của Kirihito (mà thực chất là Akura-Ou) có uẩn khúc và cần phải cảnh giác, cô vẫn đồng ý cho hắn hút năng lượng sống mà còn gật đầu cái rụp không thèm suy nghĩ hay đắn đo.

Nanami nhiều lần vào sinh ra tử vì những người mới quen

Nanami nhiều lần vào sinh ra tử vì những người mới quen

Kết cục là Nanami nhận tin sốc chỉ còn sống được nửa năm thì mới khóc thương cho chính mình. Trong khi đó toàn là lựa chọn của cô chứ còn ai?

Không nghĩ cho Tomoe

Ban đầu, dù cho Tomoe chưa thích Nanami nhưng với cương vị là linh thần và thổ thần, là người hầu và chủ nhân, Tomoe vẫn hết lòng bảo vệ và che chắn cho Nanami. Với sự thông minh và cảnh giác, Tomoe từng rất nhiều lần cảnh báo cho Nanami về mối đe dọa của một thế lực xấu xa. Nhưng kết cục Nanami chưa bao giờ làm theo lời của Tomoe.

Ngay cả khi Tomoe đã thích cô và hai người đã thành đôi rồi, Nanami cũng vẫn mặc kệ mà lao vào nguy hiểm, luôn luôn làm trái ý của Tomoe. Điều này vừa không tôn trọng Tomoe, vừa không nghĩ cho cảm xúc của cậu.

Nanami luôn dấn thân vào nguy hiểm mặc cho Tomoe lo lắng

Nanami luôn dấn thân vào nguy hiểm mặc cho Tomoe lo lắng

Rõ ràng, Nanami biết khi đã yêu một người, mình sẽ lo lắng cho sự an toàn của người đó, sẽ sợ mất đi người đó đến mức nào. Thế nhưng cô lại không hề nghĩ đến cảm giác của cậu khi cô cứ mặc kệ lời cậu nói mà xông vào biển lửa vì một người ất ơ nào đó khác ngoài cậu. Lúc đổi vai ngược lại, Tomoe muốn đi theo bảo vệ cho Nanami thì cô lại từ chối và không cho cậu cái quyền đấy. Trong khi Tomoe có sức mạnh lớn hơn Nanami, cô lại quá tự tin rằng mình có thể tự làm gì đấy. Kết cục ai cũng biết, cuối cùng Tomoe vẫn phải chạy đi cứu cô.

Không trau dồi sức mạnh

Đọc truyện, mình cảm giác tác giả hình như đã quá ưu ái cho Nanami nên lúc nào Nanami gặp nạn cũng có người cứu, thi thoảng ăn may được bộc phát sức mạnh thì mới làm nên cơm cháo để người đọc cảm thấy vị thổ thần này đỡ “phế”, đỡ vô dụng.

Nanami bị bạch xà bắt đi? Tomoe đến cứu. Nanami bị rơi xuống Vùng đất của người chết, bị kẹt không thể thoát ra? Tomoe đến cứu. Nanami và Jirou suýt “ngỏm” trong hang của Raijiuyuu? Vẫn là Tomoe cứu. Nanami bị hút năng lượng sống? Đương nhiên là Tomoe. Nanami đánh không lại Yatori? Bây giờ đổi vai thành Jirou xuất hiện.

Nanami nhiều lần được Tomoe cứu

Nanami nhiều lần được Tomoe cứu

Tóm lại, gần như bất kể lần nào Nanami phải tự dùng sức mạnh thì y như rằng lần đó Nanami cuối cùng vẫn phải có người tới cứu. Khi Nanami phá được kết giới và thoát khỏi Yatori lần một, mình đã hy vọng cuộc đấu tay đôi giữa Nanami và Yatori sẽ có gì đó khác đi, một cái gì đó thể hiện sức mạnh của chính cô. Nhưng không ngờ mới được một chiêu thì “chết yểu”, cuối cùng lại nhờ Jirou “vô tình” phát hiện ra. Có lẽ cái Nanami giỏi nhất là “xông pha”, nhưng rồi dọn dẹp ai làm thì làm chứ 80% của bộ truyện sẽ không phải là cô.

Nanami được tất cả mọi người “phù trợ” thay vì tự mình dùng sức mạnh

Nanami được tất cả mọi người “phù trợ” thay vì tự mình dùng sức mạnh

Thay vì liên tục xây dựng hình ảnh “con người yếu đuối thì có làm thần cũng yếu”, nếu Nanami được xây dựng sức mạnh lớn hơn 1 chút, các năng lực thanh tẩy đa dạng hơn trò viết bùa thì cùng với tính cách kiên cường, Nanami đã có thể làm nên chuyện thay vì bị đánh giá là “quá nữ tính” hay “dựa dẫm quá nhiều vào các nhân vật nam khác”.

Kết luận

So với nhiều nhân vật nữ trong manga shoujo, Nanami là một nhân vật được khai thác khá nhiều và có chiều sâu. Cũng chính vì thế nên người đọc có dịp nhìn thấu hơn về cô nàng thổ thần và từ đó tranh cãi nổ ra xung quanh các nét tính cách của Nanami.

Cuối cùng, nếu tổng hợp cả các điểm tốt và điểm xấu của Nanami, bạn sẽ chọn yêu hay chọn ghét?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

What do you think?

Tóm tắt truyện Kemono Jihen (Phần 2)

MADE IN ABYSS: CÁI GIÁ PHẢI TRẢ CHO SỰ TÒ MÒ VÀ ƯỚC MƠ