in ,

Mononoke hime: Cuộc xung đột không có hồi kết giữa thiên nhiên và con người

“Mononoke hime” là bộ phim hoạt hình sử thi giả tưởng xuất sắc của đạo diễn Miyazaki Hayao (người sáng lập ra Studio Ghibli). Bộ phim được công chiếu vào năm 1997 và làm cho danh tiếng của Studio Ghibli trở nên bùng nổ hơn ở Nhật Bản và trên Thế giới.

Sơ lược về nội dung và nhân vật:

Ashitaka là vị hoàng tử của bộ tộc Emishi, một vị chiến binh trẻ tuổi nhưng cũng là một kẻ bị nguyền rủa. Vì bảo vệ dân làng, anh đã bắn chết Trư thần Nago, kẻ đang mang trong mình oán hận nặng nề với một đám giun đen bao quanh cơ thể. Nhưng không may, cánh tay anh đã dính phải lời nguyền và anh buộc phải rời khỏi ngôi làng của mình để tìm thuốc giải cứu bản thân. Trong cuộc hành trình anh gặp được SanEboshi, hai người phụ nữ xinh đẹp nhưng trái ngược nhau về tính cách.

San, con của thần sói Moro. Điều đặc biệt ở đây là cô là người chứ không phải sói. Theo lời kể của Moro, cha mẹ của San đã hèn nhát bỏ cô lại một mình để chạy trốn và Moro đã giữ lại mạng sống và nuôi dưỡng cô. Sống trong rừng và lớn lên cùng bầy sói, trong San đã hình thành nên một nỗi oán hận sâu sắc đối với con người và luôn chối bỏ thân phận của mình. Cho đến khi San gặp Ashitaka, cô đã bị anh cảm hóa và chấp nhận mở ra cánh cửa tâm hồn để giải thoát cho chính bản thân mình.

Eboshi, chủ nhân của Làng Sắt, người luôn sẵn sàng gây chiến để bảo vệ lý tưởng của mình. Bà đại diện cho phe “Con người” và luôn đối chọi với Moro – phe của “Thần rừng” (hình ảnh ẩn dụ của thiên nhiên). Nhưng về sau, bà cũng được Ashitaka giúp đỡ và chấp nhận dịu đi nhiều hơn với “Thần rừng”. Eboshi cũng là một nhân vật có chiều sâu và góp phần đẩy mạch phim trở nên cao trào ở những phút cuối. 

Thông điệp mà “Mononoke hime” mang lại:

  • Giải thích từ “Mononoke”: Mononoke dịch theo tiếng Nhật được hiểu là ma quỷ hay còn mang nghĩa là “linh hồn oán hận”. Một số bạn đã hiểu lầm nghĩa của từ này nên cho rằng tựa phim không ăn khớp gì với nội dung cả. 

Con người và thiên nhiên: Bảo tồn hay hủy hoại lẫn nhau?

Con người được sinh ra từ tự nhiên và giờ đây con người đang báo đáp bằng cách hủy hoại nó với một lòng tham vô tận. Trong Mononoke, điều này đã được Eboshi và người Làng Sắt thể hiện rất rõ qua hành động khai thác rừng một cách vô tội vạ để phục vụ mục đích cá nhân. Chính điều này đã gây nên sự tức giận cho các vị thần rừng và gây nên các cuộc xung đột, phân tranh mãi không có hồi kết.

San và Eboshi đại diện cho hai phe đối lập nhau

Con người và tự nhiên đã chọn cách cực đoan nhất để giải quyết, đó là hủy hoại lẫn nhau. Vì bàn tay tham lam của con người đã dày xéo cánh rừng nên các linh hồn trong rừng đã trở thành Tà thần để nguyền rủa con người. Và Ashitaka là người không may phải gánh chịu sự trừng phạt (thiên nhiên tức giận và trừng phạt con người). Eboshi mất đi cánh tay cũng là sự trừng phạt nặng nề khi cố chạm tay vào đầu của Thần rừng. Khi con người chọn cách tàn phá thiên nhiên, thiên nhiên sẽ trả lại con người sự đau đớn mà nó phải chịu. 

Ashitaka và cánh tay bị nguyền rủa

Okkoto không thể vượt qua được nỗi oán hận và tự biến mình thành Tà thần

Eboshi bị Moro lấy mất cánh tay

Con người và thiên nhiên: Liệu có thể hòa hợp?

Đêm trước trận đối đầu cuối cùng giữa Làng Sắt và các vị thần, Ashitaka đã hỏi Moro: “Con người và rừng không thể sống hòa bình được sao?”, Moro đã tỏ vẻ khinh thường với suy nghĩ ngây thơ của anh và cho rằng anh ích kỉ. 

Anh cũng đã nói rằng: “Tôi không biết, nhưng chúng tôi có thể cùng tồn tại.” 

Ashitaka từ đầu phim luôn là nhân vật giữ vị trí trung lập, không theo một phe nào nhất định. Anh chọn làm trung gian ngăn cản hai bên xảy ra chiến tranh với nhau. Tuy nó không thật sự khả quan vì khi đến cuối cùng Eboshi vẫn chọn lấy đầu Thần rừng, hủy đi linh hồn của khu rừng, nhưng Ashitaka đã thay đổi được suy nghĩ của Eboshi vào phút cuối để bà nhận ra con người và thiên nhiên có thể hòa hợp chung sống mà không cần phải hủy hoại nó.

Cuộc trò chuyện giữa Ashitaka và Moro trước trận chiến

Moro cảm nhận được nỗi thống khổ của cánh rừng ngoài kia

Eboshi lấy đầu Thần rừng

Con người thực ra luôn là yếu tố của mọi vấn đề. Ashitaka dùng tình yêu chân thành của mình để xoa dịu đi nỗi oán hận trong San, giúp cô tìm về con người thật của mình. Thay mặt con người trả lại đầu cho Thần rừng và tạ tội với ngài cùng với các linh thần trong khu rừng. Sự trừng phạt mà Thần rừng dành cho con người thật quá kinh khủng khi ngài hóa thân xác mình thành một loại chất độc khiến tất cả mất đi sự sống khi chạm vào nó. Đây chính là thiên nhiên đang trừng phạt những kẻ tham lam luôn nghĩ rằng thiên nhiên được sinh ra chỉ để phục tùng mình. 

Ashitaka và San trả lại đầu cho Thần rừng

Thiên nhiên luôn sẵn sàng cho con người một cơ hội

Thần rừng trị thương cho Ashitaka, ban phước lành đến khu rừng nhưng đến cuối cùng vẫn bị lòng tham của con người hủy hoại. Khung cảnh Eboshi bắn vào Thần rừng đã khiến ngài khuỵu xuống, nhưng ngay sau đó lại hồi phục và bước đi một cách tự nhiên. Điều này chứng tỏ khi con người hủy hoại thiên nhiên, thiên nhiên sẽ luôn có cách tự chữa lành vết thương của mình nhưng khi thiên nhiên nổi giận và trừng phạt, con người chỉ có thể bị động và không thể phản kháng. 

Lời xin lỗi của San và Ashitaka gửi đến Thần rừng có lẽ đã quá muộn màng vì Thần rừng cũng không thể sống nữa. Nhưng nó cần thiết để xoa dịu cơn giận của ngài. Ánh bình minh ló dạng và những chồi non bắt đầu ươm mầm, sự nguyền rủa của Ashitaka cũng biến mất đã thể hiện rằng Thần rừng chấp nhận lời xin lỗi và dùng linh hồn của mình để tái sinh khu rừng, bắt đầu một kỷ nguyên mới. May mắn thay, con người cũng đã thông suốt và ngừng tay lại, chấp nhận sống hòa hợp cùng thiên nhiên. 

Lời kết:

“Mononoke hime” là một kiệt tác ấn tượng khi phản ánh thực trạng về môi trường sinh thái, khai thác tài nguyên bừa bãi một cách rất chân thực và sâu sắc. Chủ đề này cho dù ở bất kì thời điểm nào cũng vẫn luôn quan trọng và rất đáng để chúng ta tuyên truyền nó. Studio Ghibli đã rất xuất sắc khi dựng nên một tuyệt tác như vậy. Đây là một bộ phim rất đáng để các bạn xem thử!

What do you think?

Jellal và cái bóng của quá khứ

Chuyện tình bọ xít :D