in ,

Kyoukai no Rinne: Ý nghĩa về luân hồi và giá trị của đồng tiền

Nếu là một fan của Rumiko Takahashi, tác giả của những bộ manga huyền thoại như Inuyasha, 1/2 Ranma… thì chắc chắn bạn không nên bỏ qua “Kyoukai no Rinne”, một tác phẩm mới mang đầy màu sắc tâm linh và cũng không kém phần hài hước được chuyển thể từ manga cùng tên của tác giả. 

Kyoukai no Rinne

Tên khác: Cảnh giới luân hồi

Tác giả: Rumiko Takahashi

Thể loại: Shounen, School Life, Romance, Supernatural, Comedy

Tình trạng: Manga đã hoàn thành, Anime hiện đã kết thúc ở Season 3

“Khi còn là một cô bé Mamiya Sakura mất tích bí ẩn vào khu rừng phía sau nhà bà. Cô bé trở về hoàn toàn khỏe mạnh, nhưng kể từ đó cô bé có được khả năng thấy được hồn ma. Giờ đây khi đã thành thiếu nữ, cô chỉ mong các oan hồn đừng làm phiền cô! Tại trường học, chiếc bàn kế bên Sakura từ đầu năm đã không có ai ngồi, bỗng một ngày người luôn vắng mặt ấy xuất hiện và cậu ta bộc lộ bản chất tinh quái hơn vẻ bề ngoài! Hành trình khám phá thế giới tâm linh hài hước của họ bắt đầu.”

Trailer Kyoukai no Rinne

Sơ lược về nội dung và nhân vật

Kyoukai no Rinne là một bộ anime thiên hướng siêu nhiên và vui nhộn. Các nhân vật trong phim được chia làm hai nhóm, xoay quanh bốn nhân vật chính  gồm: Rinne, Sakura, Tsubasa, Ageha và tất cả những những người còn lại sẽ là nhân vật phụ. 

Các nhân vật chính

Rokudou Rinne: Một Shinigami trẻ tuổi mang trên mình một khoản nợ lớn khiến cậu nghèo túng đến đau khổ. Công việc thường ngày của Rokudou là mang những linh hồn vất vưởng, lang thang ở thế giới này sang thế giới bên kia để họ đi đầu thai. Đối với Rinne, tiền bạc là vô cùng quý giá, với cậu 100 yên đã là rất đắt nên cậu chưa bao giờ dám chi trả để ăn một bữa cơm đàng hoàng vì cho rằng nó quá xa xỉ. Rinne rất tốt bụng và khá trưởng thành về mặt suy nghĩ nhưng lại hay bị tiền làm cho lung lay chính kiến trong mọi tình huống. Sự dằn vặt, tiết kiệm đến đáng thương vì tiền của anh chàng tội nghiệp này là một trong những yếu tố chính gây hài cho bộ phim. Vì không có tiền mua đồng phục nên Rinne là người duy nhất đến trường với bộ đồng phục thể dục cấp 2, cậu ta còn thuận tay sử dụng cái đền nhỏ ở trường để nhận lễ vật (thức ăn và tiền bạc), giải quyết các yêu cầu liên quan đến tâm linh hay ma quỷ xuất hiện ở trường học. Và đặc biệt nhất là, những giọt nước mắt chỉ xuất hiện trên mặt Rinne vào những lúc cậu ta thiếu tiền hoặc được ăn món gì đó quá “xa xỉ”.

Nguyên nhân duy nhất khiến Rinne rơi vào cảnh khốn khổ không ai khác ngoài cha ruột của cậu – Rokodou Sabato. Ông ta thành lập một công ty mờ ám, không có giấy phép để kiếm tiền. Sabato thường hay dùng ngoại hình đẹp trai của mình để đi lừa gạt những người phụ nữ và ông ta còn hay trộm tiền tiết kiệm của con trai mình nữa. Rinne trả hoài không hết nợ là vì Sabato liên tục gây nợ và để cho Rinne đứng tên hết trên đống giấy nợ của ông. Ông để lại Rinne cho bà Tamako nuôi dưỡng rồi chuồn mất, sau đó làm hàng loạt rắc rối xảy ra. Mặc dù là một người cha tồi tệ và xấu xa nhưng bản thân sự xuất hiện của Sabato đã là một sự hài hước nên nhiều khi người xem sẽ khó ghét Sabato. Về mẹ của Rinne thì bà đã mất từ khi cậu còn nhỏ và điều đó sẽ được hé lộ thêm ở Season 3. 

Mamiya Sakura: Một cô nữ sinh trung học khá trầm tính và rất bình thường nhưng cô lại sở hữu một khả năng không hề bình thường chút nào, đó là nhìn thấy linh hồn của người chết. Không hề lạ khi cô nàng là người duy nhất có thể nhìn thấy được Rinne khi cậu đang mặc chiếc áo choàng địa ngục. Vô tình phát hiện ra những bí mật của nhau nên Sakura và Rinne đã trở thành bạn bè và đồng hành cùng nhau trên con đường bảo đảm sự cân bằng cho hai thế giới âm – dương. Thường thì công việc của Sakura sẽ là cho Rinne mượn tiền để cậu mua các công cụ trừ tà (dao động từ 500 yên đến 1000 yên). Khi xem phim bạn có thể thỉnh thoảng quên tên của vài nhân vật nhưng riêng tên của Sakura đảm bảo bạn sẽ không bao giờ quên, vì Rinne trong mọi khung cảnh đều gọi cả họ lẫn tên của cô – “Mamiya Sakura”. Sakura có tính rất trầm nên cô nàng hầu như không nhận ra tình cảm của mình đối với Rinne, vì thế cả bộ phim chỉ là một mối tình lãng mạn, trong sáng mới được chớm nở thôi. 

Jumonji Tsubasa: Giống như Rinne và Sakura, Tsubasa cũng có khả năng nhìn thấy ma quỷ nhưng lý do thì khác hoàn toàn với hai người kia, cậu xuất thân từ một gia đình có truyền thống làm nghề trừ tà. Cậu gặp được Sakura hồi còn học tiểu học và thầm mến cô nhưng phải chuyển đi do công việc của gia đình. Sau này gặp lại nhau ở trường trung học, Tsubasa vẫn còn thích Sakura và luôn công khai cạnh tranh với Rinne theo đuổi cô nàng. Tsubasa là một hình ảnh đối lập hoàn toàn với Rinne, cậu xuất thân trong một gia đình giàu có và luôn xuất hiện với một bộ vest bảnh bao trong khi Rinne thì ngược lại. 

Ageha: Cô nàng này cứ như Tsubasa phiên bản nữ vậy. Họ đều có tính cách, gia cảnh, những trò tai quái giống hệt nhau và cả hai đều thích thầm hai nhân vật chính (Ageha thích Rinne và ghét Sakura, Tsubasa thích Sakura và ghét Rinne). Chị của Ageha hiện nay đang là thư ký riêng của bố Rinne và ngoài ra cũng đang cặp kè với ông ta. Vì đi tìm tung tích của chị mình mà Ageha đã vô tình gặp được và quen biết Rinne, luôn chìm đắm trong ảo tưởng về tình yêu của mình với Rinne nên Ageha đã gây ra nhiều rắc rối dở khóc dở cười. Ageha luôn xuất hiện và khiến Sakura hiểu lầm về mối quan hệ giữa cô và Rinne, đôi khi nó sẽ gây khó chịu nhưng thật ra đó lại là chất xúc tác cho cặp đôi chính có nhiều tiến triển hơn. Cũng trái ngược hoàn toàn với Rinne vì cô nàng là một người có sở thích vung tiền như rác. 

Ngoài ra, còn một nhân vật khác cũng xuất hiện thường xuyên bên cạnh Rinne không kém, đó chính là chú mèo Rokumon. Cậu là một tinh linh mèo đen hỗ trợ Rinne trong các nghi thức thanh tẩy và là chân sai vặt đi xin ăn về. Rokumon rất đáng yêu, cậu chấp nhận sống một cuộc sống nghèo đói cùng Rinne mà không đòi thêm lương, luôn làm mọi thứ cho Rinne ngoại trừ chia của ngon vật lạ. Rokumon cũng là một nhân tố gây náo loạn cuộc sống của Rinne không kém vì những việc làm ngây thơ đến ngớ ngẩn của cậu.

Cốt truyện

Mamiya Sakura – một nữ sinh trung học cực kì trầm lặng và bình thường sở hữu khả năng nhìn thấy các linh hồn. Khi cô còn bé, cô đã đi lạc vào một khu rừng và bị dẫn đến cõi âm dương và ăn đồ ăn ở lễ hội. May mắn thay, cô được bà của Rinne đưa trở về nhà và từ đó sở hữu được khả năng kì lạ kia. Chính điều này mà cô có thể nhìn thấy người mà cả lớp đều không thể thấy được – Rokudou Rinne, một shinigami (thần chết). Cậu ta cũng có một cuộc sống bình thường như bao học sinh trung học khác, nhưng khi khoác chiếc haori lên người thì cậu ta sẽ trở thành shinigami và vô hình với tất cả mọi người, ngoại trừ Mamiya Sakura và Tsubasa Jumonji. Từ đó trở đi, Rinne và Sakura trở thành bạn đồng hành và cùng nhau đưa các linh hồn vất vưởng đến bánh xe luân hồi để họ có thể đi đầu thai. 

Tổng quan về Kyoukai no Rinne

Đã có rất nhiều bộ anime nói về thế giới âm dương và thường là sẽ nói về những khía cạnh như linh hồn vất vưởng bị tha hóa và muốn kéo theo người sống để đòi mạng. Kyoukai no Rinne cũng theo một mô típ như thế nhưng những linh hồn trong phim thì cơ bản là hoàn toàn vô hại và còn khá hài nữa. Phim có xu hướng hướng khán giả đến tâm trạng vui vẻ nhiều hơn nên ta sẽ cảm nhận được một sự sáng tạo khá là mới mẻ. Đây là một bộ phim nói về sự mê tín dị đoan diễn ra ở Nhật Bản và khái niệm luân hồi trong Phật giáo. 

Tiền bạc là thứ quan trọng nhất

Bên cạnh các linh hồn thì “Kyoukai no Rinne” cũng đề cập đến vấn đề tiền bạc xuyên suốt bộ phim. Tuy nhiên, việc lặp đi lặp lại quá nhiều về vấn đề này sẽ dễ gây nên sự nhàm chán và không còn hài nữa, vì Takahashi luôn cố khai thác quá nhiều miếng hài từ hoàn cảnh thiếu thốn của Rinne. Và mỗi nhân vật trong bộ phim đều có thể xem như là ẩn dụ cho giá trị của tiền bạc. 

Đầu tiên là Rinne, cậu đại diện cho tiền và có thể nói hình ảnh của cậu luôn đi đôi với một đồng xu. Người ta thường hay nói rằng nếu ra ngoài và nhặt được một đồng xu thì ngày hôm đó sẽ là ngày may mắn. Điều này có một chút tương tự với Rinne vì cậu luôn có được vận may để tìm thấy thành công dù có đang trong hoàn cảnh vất vả thế nào đi nữa. Màu tóc của Rinne cũng là một màu đỏ sậm, tựa như màu đồng của đồng xu trong phim. 

Sabato, cha của Rinne đại diện cho thiếu tiền hay còn gọi là nợ nần. Ông luôn chi tiền liên tục để thỏa mãn nhu cầu cá nhân mà không hề để ý tới cái túi rỗng tuếch của mình. Sự tồn tại của Sabato chính là món nợ của Rinne vì mọi chi tiêu và nợ nần của ông ta đều đẩy cho Rinne chi trả. 

Cô thư ký của ông ta – chị gái của Ageha được xem như là lãi suất của tiền. Chị của Ageha đóng vai trò hỗ trợ Sabato lấy trộm tiền để tăng thêm lợi nhuận cho công ty bất hợp pháp kia. 

Kain tượng trưng cho chủ nợ, công việc thường ngày của anh ta là xử lý tiền bạc, còn tay trái thì đòi nợ và tịch thu tài sản của hai cha con nhà Rinne. 

Ageha với xuất thân vô cùng giàu có, cô tượng trưng cho đồng vàng. Ngoài ra cô còn phản ánh về sự phung phí tiền bạc, và Rinne thường ngăn cản cô tiêu tiền bừa bãi thì đó chính là ẩn dụ cho chi tiêu và quản lý tiền bạc một cách hợp lý. 

Tsubasa là đồng bạc, tương ứng với vật đi liền thân của cậu – màu xám của tro thánh. Tsubasa cũng rất giàu có nhưng vẫn chưa đủ bằng Ageha nên cậu sẽ tương ứng với một đồng bạc.

Masato đại diện cho tiền giả, vì bản chất lừa đảo và hèn hạ trong các hành động gây rối Rinne của cậu. 

Tamako tượng trưng cho tiền mặt. Thi thoảng bà sẽ xuất hiện để giúp đỡ Rinne, nhưng thường sẽ giúp đỡ cậu với hình thức ứng tiền để cậu mua các dụng cụ trừ tà. 

Người bí ẩn nhất là Sakura, cô không giàu có như Tsubasa hay Ageha nhưng cô ấy chưa bao giờ có vẻ là lo lắng gì về tiền bạc cả. Vậy nên, Sakura sẽ là ẩn dụ cho sự tiết kiệm tiền. Việc tiết kiệm tiền và chi tiêu một cách hợp lý luôn luôn mang đến cho chúng ta một cảm giác an toàn hơn trong tương lai. Ta có thể thấy mỗi khi Rinne cần tiền gấp, Sakura luôn không ngần ngại mà đưa cho cậu mượn đúng với số tiền cậu cần mà không có một chút do dự nào.

Hình ảnh thị giác và âm nhạc

Nếu là fan lâu năm của Rumiko Takahashi có lẽ sẽ không xa lạ với phong cách shoujo cổ điển của bà. Nét vẽ này vẫn được bà giữ nguyên cho đến thời điểm hiện tại và chưa từng thay đổi. Nó vẫn đẹp nhưng gần đây thì nét vẽ đã có phần trở nên thô cứng hơn so với ngày trước. Với “Kyoukai no Rinne” thì style đó vẫn được giữ nguyên, bạn chỉ cần vừa nhìn là biết ngay tác giả của nó là Rumiko Takahashi nhưng là ở một phiên bản được hiện đại hóa và đầy màu sắc vui nhộn hơn. Hoạt họa của phim thì rất đơn giản, không cầu kì và đôi khi biểu cảm của các nhân vật gần như là bị đơ quá mức nhưng bù lại màu sắc hài hòa và rực rỡ đã cứu lại hình ảnh thị giác của phim. Nhưng có vẻ như nó không giữ được phong độ cho đến Season 3 vì từ Season 3 trở đi các nét vẽ ngày càng ẩu tả và qua loa một cách quá đáng. 

“Kyoukai no Rinne” không hướng đến hình tượng cầu kì vì vốn dĩ nó cực kì đơn giản. Đây là một bộ shoujo cũ điển hình từ cốt truyện, bối cảnh, nhân vật và trang phục. Như Sakura, thiết kế của nhân vật này cực kì đơn giản, ta luôn thấy Sakura xuất hiện trong đồng phục học sinh giản dị mọi lúc mọi nơi, trái ngược hoàn toàn với các nhân vật nữ được thiết kế lộng lẫy trong các anime thời nay. Bối cảnh cũng đơn giản là xoay quanh những nơi như căn hộ tồi tàn của Rinne, trường học, bánh xe luân hồi…không còn địa điểm nào khác đáng chú ý nữa. Các Damishigami làm việc cho Sabato được thiết kế dưới dạng hình thù của những con thú bông biết nói và chúng có phần hơi ngớ ngẩn đến buồn cười. Ngoài ra, không khỏi để chúng ta không liên tưởng đến hình ảnh của Inuyasha thông qua Kyoukai no Rinne vì nét vẽ thực sự rất tương đồng. Rinne sẽ khiến ta liên tưởng đến Inuyasha, Sakura là Kagome nhưng ở phiên bản trầm tính hơn, Tsubasa là Miroku, Ageha là Sango phiên bản ồn ào hơn và Rokumon là Shippo. Có vẻ như Rumiko đã thất bại trong việc khiến Kyoukai no Rinne thoát khỏi cái bóng của những tác phẩm trước. 

https://www.deviantart.com/x-lady-creepypasta-x/art/Kyoukai-no-Rinne-vs-Inuyasha-570986577

Phần âm thanh lồng tiếng thì mang lại cảm giác khá tốt vì tất cả các seiyuu đều mang lại cảm giác phù hợp với các nhân vật đến hoàn hảo. Còn về phần âm nhạc thực sự thì không có gì nổi bật, không có OST nào gây được ấn tượng mạnh. Bài hát chủ đề đầu tiên cho “Kyoukai no Rinne” – 桜花爛漫 là hay nhất trong số tất cả các bài hát của phim vì nó thể hiện được khí thế mạnh mẽ đến bất ngờ. OST có thể được xem như là linh hồn của bộ phim nhưng những bài hát còn lại của những Season sau thì dần trở nên mờ nhạt và gây mất hứng thú với người xem rất nhiều. 

KEYTALK – 「桜花爛漫] (Kyoukai no Rinne OST)

Lời kết

Có một điều mà ai cũng nên biết trước đó là: Anime này là tổng hợp các câu chuyện ngắn được chuyển thể từ manga. Nó khác biệt hoàn toàn với Inuyasha vì cốt truyện không được liên kết và chỉn chu về mọi mặt. Anime có rất nhiều tập và mỗi tập là một câu chuyện ngắn khác nhau nên ngay cả khi bạn bỏ lỡ hoặc nhấn xem một tập bất kì nó cũng sẽ không ảnh hưởng gì đến cốt truyện cả. Phim có nhịp độ khá tốt nhưng không có gì mới mẻ. Nếu ai yêu thích và đã quen với sự hài hước và tâm linh trong tác phẩm của Rumiko Takahashi thì nên thử bộ này, nó có thể không là kiệt tác và không có gì đáng kinh ngạc nhưng là một bộ anime hay để thư giãn và giết thời gian. 

Có khen thì cũng phải có chê đúng không? Nói thật thì đây là tác phẩm xuống phong độ nhất của Rumiko Takahashi vì không những cốt truyện bình thường mà kết thúc còn vội vàng nữa. Lướt nhanh qua những yếu tố về tiền bạc trong phim thì tiếp theo chính là lãng mạn. Đáng tiếc phim cũng không đào sâu vào yếu tố tình cảm của Rinne và Sakura. Rinne là một nam chính rất khác biệt so với những nam chính trước của Rumiko vì anh chàng nhận ra mình thích Sakura rất nhanh và rất quyết đoán chứ không hề mơ hồ như Inuyasha hay Ranma. Nhưng tác giả lại xây dựng tính cách Sakura quá mức lãnh đạm và không ai biết được rằng khi nào cô mới nhận ra tình cảm với Rinne. Giữa Rinne và Sakura thỉnh thoảng sẽ có những tương tác khá lãng mạn nhưng thực sự rất ít, ví dụ như 10 chap truyện thì chỉ có 1 chap duy nhất có một chút hint về mối tình này. Liên tục đào sâu về yếu tố hài hước khá nhiều đã làm loãng đi yếu tố lãng mạn duy nhất và cần thiết cho bộ phim. Điều khiến nhiều người khó chịu là cho tới khi kết thúc phim nhưng giữa Rinne và Sakura vẫn giậm chân tại chỗ, không có gì khác ngoài “trên tình bạn dưới tình yêu”. Đây là một trong những lý do khiến “Kyoukai no Rinne” bị đánh giá thấp so với các anime cùng thời. 

Nói tóm lại, nếu bạn đang tìm kiếm một bộ anime có:

  • Cốt truyện hấp dẫn
  • Nhân vật được khai thác toàn diện về mọi mặt
  • Anime có rất nhiều yếu tố lãng mạn
  • Có nhiều cảnh chiến đấu hoành tráng

Vậy thì “Kyoukai no Rinne” thực sự không phù hợp với bạn.

Tuy nhiên, nếu bạn đang tìm kiếm một bộ anime có:

  • Cốt truyện thoải mái, đời thường và dễ hiểu
  • Mang lại sự hài hước khi xem
  • Phù hợp để giết thời gian và thư giãn
  • Có một cốt truyện chính xuyên suốt, mỗi một tập là một câu chuyện khác nhau

Vậy thì “Kyoukai no Rinne” sẽ đáp ứng và thỏa mãn được những yêu cầu này của bạn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

What do you think?

11 Points
Upvote Downvote

So sánh manga và anime Thổ Thần Tập Sự

Overlord: Tại sao lại có sự khác nhau về ngoại hình lẫn tính cách của hai chị em AURA và MARE ?