in

Kotaro lives by himself – Những đứa trẻ liệu có non nớt như chúng ta vẫn tưởng?

Chúng ta thường dễ dàng bắt gặp những bộ truyện tranh, những thước phim hoạt hình trông thì có vẻ ngọt ngào đáng yêu và hơi phi thực tế một chút. Nhưng vì những thứ bắt nguồn từ trí tưởng tượng đầy màu sắc sinh ra thường để dành cho lớp trẻ.

Thế mà dạo gần đây, “người lớn” dần nhận ra những thước phim, những câu chuyện đó đôi khi không đơn thuần chỉ là những “món đồ” giải trí trong thế giới nhỏ nữa.

Kotaro lives by himself là một trong những bộ truyện giống như vậy.

Bắt đầu câu chuyện bằng một cậu bé chỉ mới 5 tuổi Kotaro dọn đến một khu chung cư nhỏ, nơi mà cậu bé bắt đầu thay đổi cuộc sống của anh họa sĩ Shin Karino. Chuyện sẽ chẳng khác gì một thước phim về cuộc sống bình dị của một đứa trẻ đang ở độ tuổi đáng lẽ ra phải gắn bó với gia đình nhỏ của mình. Thế những Kotaro lại khác, cậu bé sống một mình.

Một đứa trẻ đôi khi vẫn là một đứa trẻ, nhưng riêng Kotaro lại mang trong mình một nét trưởng thành đến “đáng lo ngại”.

Tuổi thơ không trọn vẹn và sự trưởng thành về cảm xúc

Kotaro có bố mẹ, cậu sống cùng mẹ cho đến khi mẹ cậu mất. Tuy nhiên trong suốt khoảng thời gian đó có lẽ Kotaro chưa từng cảm nhận được tình yêu thương.

Đứa trẻ khao khát tình yêu thương từ người mẹ “không ổn định” của mình, nhưng thứ cậu nhận lại đôi khi chỉ là sự thờ ơ.

Kotaro chưa từng bỏ cuộc, đứa trẻ đó đáng ra phải dành thời gian chơi đùa cùng bạn bè, đáng ra phải nhận được cái ôm từ những người yêu thương mỗi ngày. Cuối cùng lại đem cả tuổi thơ đánh đổi lấy sự chú ý từ chính người sinh ra mình, học cách tự chăm sóc bản thân và chăm sóc ngược lại cả người mẹ đó.

Chẳng biết đứa trẻ 5 tuổi đã phải trải qua những gì để hiểu hết những “luật lệ” của người lớn. Một lời cảm ơn, một món quà chào hỏi khi dọn đến nơi ở mở. Một hộp khăn giấy. Với Kotaro hộp khăn giấy là một món quà hợp lý và “giá trị” nhất. Nếu biết được sự thật đằng sau có lẽ bạn sẽ không thể mỉm cười và khen đứa bé này thật ngây thơ đáng yêu nữa. Mà thay vào đó là cảm giác xót xa cho những gì mà một đứa trẻ 5 tuổi đó phải trải qua.

Trẻ con có biết gì không? câu trả lời luôn là có. Trải qua cuộc sống bên cạnh người mẹ của mình, Kotaro từ lúc nào đã rất nhạy bén trong việc nhận biết cảm xúc của người khác, cậu bé biết mẹ mình đang đau khổ, hiểu những khó khăn mà tất cả những “người bạn lớn” mà cậu gặp trên chặng đường mình đi. Vì thực tế cuộc sống của ai cũng không dễ dàng, cả mẹ của cậu cũng vậy.

Nhưng hơn tất cả, cậu bé chưa bao giờ buông bỏ tình yêu thương.

Đứa trẻ khao khát tình yêu

Dù trưởng thành như thế nào Kotaro vẫn chỉ là một đứa trẻ, cậu bé vẫn có những suy nghĩ ngây thơ, những sở thích của một đứa trẻ bình thường, có những món “đồ chơi” luôn mang theo trên người. Sống một mình giúp Kotaro có thể thoải mái dành thời gian cho thứ mà cậu bé yêu thích.

Cậu bé dù mạnh mẽ đến mấy cũng có lúc cảm thấy cô đơn. Thời điểm trước khi dọn đến căn hộ mới, Kotaro thường xuyên đến gõ cửa nhà từng người hàng xóm, chỉ vì cậu bé muốn nói chuyện với ai đó. Cảm giác cô đơn lớn đến nổi một đứa trẻ sợ bị mắng, bỗng chốc cảm thấy việc bị mắng không còn đáng sợ bằng cảm giác chỉ có một mình. Thật may là thời điểm đó vẫn có người mở cửa sẵn sàng nói chuyện cùng Kotaro.

Đứa trẻ mạnh mẽ té ngã bị thương không khóc còn tự mình sơ cứu vết thương, cũng ít khi mỉm cười như Kotaro lại có thể cảm thấy vui vẻ ấm áp trong lòng chỉ vì một vài hành động nhỏ xíu từ những người xung quanh. Không những vậy còn rất hiểu và trân trọng những món đồ được người khác mang tặng. Cũng trân trọng tình bạn, tình yêu từ những người yêu quý cậu.

Những bài học từ Kotaro

Những “người lớn” từng bước qua cuộc sống của Kotaro bằng cách nào đó đều sẽ nhận được một chút ấm áp từ đứa trẻ này. Là sự “thức tỉnh”, là cách đem tình yêu đáp trả lại mọi thứ.

Là cách mà Kotaro chấp nhận đối diện với thế giới đầy gai góc này bằng tình yêu thương, dù cho thế giới này có đáp trả lại Kotaro bằng bất cứ hình thức gì đi chăng nữa.

Và có lẽ sau câu chuyện về Kotaro, mỗi người lớn chúng ta đều sẽ hiểu rằng một đứa trẻ luôn “hiểu” tất cả mọi thứ mà nó nhìn thấy được. Trẻ con luôn cần sự quan tâm dù ở độ tuổi nào đi chăng nữa.

Ở một mức độ nào đó, có lẽ Kotaro cũng đang “đánh thức” những tình cảm đã sớm ngủ quên bên trong con người của bạn đó.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

What do you think?

Vì sao Tensei shitara Slime datta ken (Tôi đã chuyển sinh thành Slime) lại thu hút đến vậy?

Kinh dị [18+]: DOTD – Bộ truyện tranh sẽ khiến bạn sang chấn tâm lý