in ,

Koko Wa Ima Kara Rinri Desu – Cuốn hút và khó hiểu. Giờ học đạo đức có gì hay?

Trong giờ phút tự vấn lương tâm vì lỡ ăn vụng mất đồ ăn của một đứa trẻ con, mình đã tìm thấy Koko Wa Ima Kara Rinri Desu. 

KOKO-WA-IMA-KARA-RINRI-DESU-cuon-hut-va-kho-hieu-gio-hoc-dao-duc-co-gi-hay-1

Koko Wa Ima Kara Rinri Desu một bộ truyện lấy “đạo đức” làm trọng tâm, từ đó kể những câu chuyện khác nhau và “thông não” người đọc bằng các triết lý sâu xa. Qua góc nhìn cá nhân cùng với những định nghĩa triết học, mỗi vấn đề đều dần dần sáng tỏ. Tất cả đều được gói gọn trong một thứ gọi là “Giờ học đạo đức” do nhân vật chính là Takayanagi – một thầy giáo dạy đạo đức truyền tải. 

Trong cuộc sống này, bạn đã bao giờ tự hỏi “Đạo đức là gì? Tại sao chúng ta lại cần đạo đức? Làm sao để hạnh phúc? Ý nghĩa của cuộc sống là như thế nào?” Nếu bạn đã từng có những câu hỏi rộng lớn đó, hãy cùng mình học tiết học đạo đức của Takayanagi Sensei để khám phá sự cuốn hút và nguồn cội của đạo đức con người nhé.

Nhận xét chung

KOKO-WA-IMA-KARA-RINRI-DESU-cuon-hut-va-kho-hieu-gio-hoc-dao-duc-co-gi-hay-2

Đạo đức – một thứ rất xa vời và rộng lớn nhưng cũng gần gũi và cần thiết trong mỗi người xuất hiện trong một bộ truyện tranh khiến mình thấy rất ngạc nhiên. Đây là một điều rất hiếm đối với bất kỳ thể loại truyện tranh nào và hiển nhiên là tương đối kén người đọc. Truyện không hài hước và luôn mang một cảm giác buồn man mác, thậm chí là hơi bí bức vì có những bí mật được kìm nén. Tuy nhiên, truyện lại có một sự cuốn hút kỳ lạ với người đọc. Những chuyện tưởng như rất đời thường, những khúc mắc của tuổi trẻ, những nguy cơ nơi học đường và xã hội hóa ra đều có thể giải quyết bằng “đạo đức”. 

Một người mắc kẹt trong quá trình đi tìm “bản thể riêng” của mình, cho rằng mình quá bình thường trong thế giới tôn sùng sự “đặc biệt”.

Một cậu bé sống vì kỳ vọng của mẹ mà cố gắng không ngừng đến quên cả ý muốn, giới hạn của bản thân.

Một cô gái thấy mệt mỏi và chán ghét với tập thể lớp “đoàn kết” túm năm tụm ba với nhau nhưng không thể rời khỏi và đi theo chủ nghĩa cá nhân bởi “Điều đáng sợ của một tập thể vững mạnh là nếu như có một cá nhân làm phiền đến tập thể thì cá nhân đó sẽ bị loại bỏ hoàn toàn”.

Một cô bé tự cứa tay để tìm sự nhẹ nhõm mà sống tiếp, không hề biết rằng hành động đó có ý nghĩa như thế nào.

KOKO-WA-IMA-KARA-RINRI-DESU-cuon-hut-va-kho-hieu-gio-hoc-dao-duc-co-gi-hay-3

Những câu chuyện này, có thứ thật xa xôi, nhưng cũng có thứ bạn thấy bản thân từng ở đâu đó, lạc trong những khúc mắc mà không có ai giải đáp hay chỉ đường. Vậy có lẽ bạn sẽ tìm thấy đâu đó câu trả lời trong Koko Wa Ima Kara Rinri Desu. 

Đọc truyện, bạn sẽ phải chấp nhận bầu không khí có chút đè nén xuất hiện trong toàn bộ các chương, những câu nói nổi tiếng của các nhà triết học có đôi phần khó hiểu và những bài học có khi là dang dở, những đứa trẻ không kịp tiếp thu hết thì đã tốt nghiệp rồi lại đến lứa sau, tất cả sẽ khiến bạn cảm thấy khó chịu và tiếc nuối. Nhưng truyện này, và “đạo đức” chính là như thế. Ranh giới giữa tốt và xấu luôn mong manh, không có một sự rõ ràng nào cho đạo đức. Đôi khi, nó giúp ta giải quyết vấn đề và khiến ta nhẹ nhõm. Đôi khi, nó lại chỉ là hòn đá ném vào mặt nước đục ngầu không thấy đáy mang tên “Xã hội”. Sự phức tạp của con người và đạo đức đem lại một màu sắc trầm cho truyện nhưng lại đủ nặng để khiến người đọc phải suy ngẫm. 

Bạn muốn một bộ truyện giải trí, dễ nuốt, đọc nhanh? Vậy Koko Wa Ima Kara Rinri Desu không dành cho bạn đâu. Cần phải đọc chậm, đọc kỹ mới có thể “thấm” được cái chất của bộ truyện này. Tôi không chắc nó có phải là một bộ truyện hay, nhưng chắc chắn nó là bộ truyện gây ám ảnh với người đọc bởi những vấn đề mà nó đưa ra.

Cách dẫn dắt của truyện

KOKO-WA-IMA-KARA-RINRI-DESU-cuon-hut-va-kho-hieu-gio-hoc-dao-duc-co-gi-hay-4

Đầu tiên, mình khá thích cách dẫn của truyện. Bắt đầu bằng một vụ việc học sinh bị bắt gặp làm “chuyện ấy” trong lớp, câu chuyện về đạo đức và con người đã được mở ra. Trong lớp học của thầy Takayanagi, mỗi học sinh có một câu chuyện tương ứng với từng chap. Sự riêng biệt diễn ra trong suốt hơn 10 chap, cho đến khi kết thúc những câu chuyện lẻ, mỗi học sinh đều thay đổi một chút, mọi thứ sẽ được kết nối lại với nhau. 

Ta được gì từ đó? Ta mất đi cái gì? Sự đánh đổi có xứng đáng? Có phải tốt nghiệp rồi, bước ra khỏi lớp học đạo đức của Takayanagi là các học sinh đã trở thành người tốt, hoàn toàn không còn những vấn đề không? Với kiểu đưa ra vấn đề, giải quyết nó, tổng hợp nó, rồi lại mở ra một chân trời khác chưa biết tốt xấu thế nào, Koko Wa Ima Kara Rinri Desu sẽ luôn khiến người đọc phải bận tâm rốt cục đạo đức là gì. Có khi bạn sẽ phải ôm đầu than ngắn thở dài khi đọc truyện: “Sao làm đúng khó thế~~~”, trầm cảm một hồi rồi lại lóc cóc đi đọc tiếp, thế mới vi diệu chứ. 

Giờ học đạo đức có phải chỉ nằm trong lớp?

KOKO-WA-IMA-KARA-RINRI-DESU-cuon-hut-va-kho-hieu-gio-hoc-dao-duc-co-gi-hay-5

Trên thực tế, bạn đã học Đạo đức và Giáo dục công dân như thế nào? Thầy cô chỉ cho cái gì là đúng, cái gì là sai, sau khi bước ra khỏi lớp, làm thế nào thì mặc kệ chúng bay. Nhưng trong lớp học của Takayanagi thì có sự khác biệt hoàn toàn. Ở trong lớp, những lời giảng đầy khó hiểu và vĩ mô khiến người đọc bối rối: “Rốt cục là đang dạy cái quái gì vậy nhỉ?”, mọi thứ được dạy đều “sách vở” và “chỉ cần học thuộc là có thể qua môn”. 

KOKO-WA-IMA-KARA-RINRI-DESU-cuon-hut-va-kho-hieu-gio-hoc-dao-duc-co-gi-hay-6

Những lời dạy về đạo đức ngoài giờ học của Takayanagi khiến học sinh thay đổi (Chap 9)

Nhưng mọi thứ lại không dừng ở đó. Khi bước ra khỏi lớp, người đọc mới thấy những bài học đó được áp dụng như thế nào. Takayanagi không ngần ngại can thiệp và cứu lấy những đứa trẻ đang chết dần trong tâm trí, sau đó đem chính những bài học truyền đạt lại theo một cách dễ hiểu hơn, khiến chúng thức tỉnh và tìm ra con đường mà chúng muốn bước đi. Đây là một chi tiết mình rất thích ở truyện này: Đạo đức không phải chỉ ở trong lớp học và những lý thuyết sáo rỗng, điều quan trọng là chúng ta sử dụng nó ở bên ngoài như thế nào. Đặc biệt một điểm rất hay khác của truyện là Takayanagi không gò bó học sinh của mình tốt là gì, xấu là gì mà để cho những đứa trẻ tự định nghĩa thế giới quan của mình. Takayanagi chỉ đóng vai trò tư vấn và đặt ra câu hỏi xoáy vào những nỗi sợ hãi, lo lắng của chúng để chúng dũng cảm đối mặt và đưa ra lựa chọn của mình, đồng thời phải tự chịu trách nhiệm cho lựa chọn đó. 

KOKO-WA-IMA-KARA-RINRI-DESU-cuon-hut-va-kho-hieu-gio-hoc-dao-duc-co-gi-hay-7

Đạo đức là gì? (Chap 1)

Trích nguyên văn lời dạy của Takayanagi trong lớp học: “Đạo đức là một lĩnh vực không hề có tác dụng gì đến những công việc hay sự nghiệp sau này của các em. Để mà nói nó có tác dụng khi nào thì chắc là khi cái chết cận kề chúng ta. Đạo đức thường được sử dụng khi chúng ta đang cô độc, khi ta mất hết niềm tin vào mọi thứ, khi con người đã đến bờ vực của họ, họ hằng mong sự cứu rỗi từ một sinh mệnh tối cao hơn. Khi những mối quan hệ của chúng ta không được tốt, khj sự ganh ghét, đố kỵ chiếm hữu ta, ngăn không cho chúng ta có được một cuộc sống tốt đẹp. Khi ta luôn bồn chồn, lo lắng, trầm mặc… ta tự hỏi vì sao ta vẫn còn sống trên cõi đời này. “Đàn ông là phải như thế này”, “Đàn bà là phải như thế kia”, ai đặt ra những chuẩn mực, quy tắc ấy? Có thể các em sẽ nghĩ rằng việc này không cần thiết, nhưng trong cuộc sống, thì đạo đức là chuẩn mức không thể thiếu…” 

“Tôn giáo là gì”, “Làm sao để có một cuộc sống tốt hơn”, “Hạnh phúc là gì”, vấn đề về “Giới tính”, “Tôi muốn chết”, “Cuộc sống là gì”. Tất cả đều có liên quan tới đạo đức. 

Những mặt trái của truyện

KOKO-WA-IMA-KARA-RINRI-DESU-cuon-hut-va-kho-hieu-gio-hoc-dao-duc-co-gi-hay-8

Thầy Takayanagi cũng có những góc khuất đầy đau đớn (Chap 18)

Khi đọc truyện, mình thấy phần lớn mọi người đều có chung một nỗi khó chịu. Koko Wa Ima Kara Rinri Desu không kết thúc bất kỳ một vấn đề nào trọn vẹn. Mỗi học sinh trong lớp đều học được gì đó, đều thay đổi, nhưng thời gian 2 năm ở trường cao trung sẽ là không đủ. Chúng còn cả quãng đường học đại học, đi làm, học cách trưởng thành, tìm vị trí trong xã hội ở đằng trước. Không có gì đảm bảo cuộc sống của chúng, hay bản thân chúng sẽ tốt lên sau này. Thầy Takayanagi có thể rất tốt, nhưng chỉ khi chúng còn học cao trung, và chỉ khi với tư cách là thầy. Còn với tư cách một người bình thường, Takayanagi vẫn đầy khiếm khuyết và bị trói chặt trong vấn đề của anh.

Những người đọc muốn thấy một cái kết, muốn đi đến tận cùng của vấn đề hay một con người, đó là những điều không thể ở bộ truyện này. Điểm trừ này dù gây khó chịu nhưng theo mình lại là hợp lý. Nó ngầm nói lên bản chất của đạo đức là không có điểm kết, không có đúng sai, không bị giới hạn không gian, thời gian. Chính sự bỏ lửng đó lại khiến người đọc tò mò hơn và tự tưởng tượng về bản thân nếu trong hoàn cảnh đó thì sẽ đi đến đâu, thấy thế nào. 

Tổng kết

Tóm lại, đây là một bộ truyện độc, thực sự độc. Nó lạ từ việc lấy “đạo đức” để viết nên truyện cho đến nội dung, nhân vật chính, màu sắc trầm buồn của truyện. Nó lạ, khó hiểu và đầy cuốn hút, thể hiện đúng những điều gây tranh cãi. Koko Wa Ima Kara Rinri Desu 100% là truyện phải đọc thử. Có thể đọc rồi bạn vẫn không thích truyện này đâu vì nó quá nhiều tầng ý nghĩa, nhưng nó vẫn là truyện xứng đáng được đọc và ngẫm ít nhất một lần. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

What do you think?

One piece: Sabo một chàng trai tràn đầy tình thương.

Kimetsu no Yaiba: Viêm Trụ Rengoku và Âm Trụ Tengen, ai hơn ai?