in ,

Inari Konkon Koi Iroha: Sợi dây kết nối thế giới tâm linh và con người

Trong thời đại hiện nay, giữa một rừng anime bị chiếm đóng bằng những pha hành động và cốt truyện kì lạ để thu hút người xem thì “Inari Konkon” như một làn gió tươi mát thổi vào để tạo nên cảm giác mới mẻ và thư thả hơn rất nhiều. “Inari Konkon” ra mắt vào mùa đông năm 2014 và được chuyển thể từ manga cùng tên.  Anime có khoảng 10 tập và chưa có động thái mới nào về việc sẽ ra mắt phần mới kể từ năm 2014 cho đến nay. Manga “Inari Konkon” hiện đã kết thúc với tổng số chương là 50.

INARI KONKON KOI IROHA

Độ dài: 10 tập

Thể loại: Siêu nhiên, hài, chính kịch, lãng mạn, học đường.

Năm phát hành: 2014

Inari Kon Kon – Official Trailer

Tóm tắt nội dung:

Câu chuyện xoay quanh Fushimi Inari, một nữ sinh cấp hai bình thường. Cô đang thầm yêu cậu bạn cùng lớp, Tanbabashi Kouji. Một ngày, khi cố gắng tiếp cận cậu ta, nhưng vì tính hậu đậu, Inari đã vô tình làm bẽ mặt cậu ta trước cả lớp. Cô cố xin lỗi Kouji, nhưng cậu ta không chịu chấp nhận lời xin lỗi. Sự việc còn tồi tệ hơn khi Inari phát hiện ra cậu ta có lẽ đang yêu Sumizome Akemi, cô bạn cùng lớp cực kì xinh đẹp. Inari, trong tâm trạng rối bời tuyệt vọng đã được Uka-no-Mitama-no-kami, Thần Cáo triệu đến. Để trả ơn cho việc cô đã cứu con cáo nhỏ của thần sáng hôm đó, thần Uka sẽ thực hiện cho Inari một điều ước bất kì. Khi còn chưa kịp suy nghĩ cẩn trọng, cô đã buột miệng nói mình muốn trở thành Sumizome. Điều ước đó được thực hiện ngay lập tức. Và đương nhiên, hệt như trong những câu chuyện cổ tích đã chứng minh rằng những điều ước thế này sẽ chẳng đi tới đâu. Để cứu vãn tình thế, vị nữ thần tốt bụng đã phá luật trời mà cho Inari năng lực để có thể biến trở lại như cũ. Bây giờ, cô có thể biến hình thành bất cứ ai tùy ý. Với năng lực này, cô đủ sức làm nhiều thứ, trong đó có việc chiếm được trái tim của Tanbabashi Kouji. Tuy nhiên, nếu lạm dụng và bị phát hiện, cả Inari lẫn thần Uka sẽ gặp rắc rối với Amaterasu, Thần mặt trời – vị thần tối cao lãnh đạo thiên giới.

Nhận lấy linh lực của thần linh để đạt được ước vọng

“Inari Konkon” có thể nói là một bộ phim tuân theo công thức tiêu chuẩn của Shoujo khi quy tụ đủ các yếu tố về tình bạn, tình yêu, học đường. Nhưng điểm sáng giá làm cho “Inari Konkon” trở nên nổi bật so với anime Shoujo cùng thời đó chính là sử dụng cốt truyện thần linh và con người liên kết với nhau, một câu chuyện hiện đại được tô điểm thêm những nét xưa cổ của nền văn hóa Nhật Bản. 

Sức mạnh của Inari chính là điểm mạnh giúp cốt truyện trở nên nổi bật. Bằng cách thốt ra cụm từ “Inari, KonKon”, Inari có thể dễ dàng thay đổi hình dạng theo ý muốn và cô ấy hay lạm dụng sức mạnh này để không phải đối mặt với các tình huống khó khăn. Tuy nhiên thay vì nói sức mạnh mà Inari đang sở hữu là một phước lành thì có lẽ nó lại trông giống như một lời nguyền hơn vì mỗi khi cô sử dụng sức mạnh thì lại là một lần xảy ra rắc rối. Nhưng mỗi lần Inari sử dụng sức mạnh mù quáng và nhận ra sai lầm của mình, cô học được rất nhiều điều và cải thiện bản thân mình, hơn nữa trong thời gian sở hữu sức mạnh, Inari cũng đã phải đấu tranh với sức mạnh không ổn định và khó kiểm soát này rất nhiều. Có một sự thật hiển nhiên rằng, không một ai có thể khống chế được linh lực của thần thánh và điều này không ngoại lệ đối với Inari. Khi cô sử dụng càng nhiều sức mạnh thì sức mạnh của cô được liên kết với Uka-sama sẽ dần dần càng kiệt. Điều này cuối cùng sẽ dẫn đến kết quả Inari dần dần trở thành thần và Uka-sama thì sẽ biến mất vì cạn kiệt linh lực. 

Yếu tố tình cảm nhẹ nhàng, đáng yêu

Giống như những bộ Shoujo thông thường, điểm thu hút tiếp theo của “Inari Konkon” chính là yếu tố tình cảm. “Inari Konkon” chủ yếu xoay quanh tuyến tình cảm của hai cặp Inari – TanbabashiUka – Touka (anh trai của Inari). Với mô típ đơn giản thường thấy, Inari nhút nhát đơn phương anh chàng hoàn hảo là Tanbabashi và vô tình làm hỏng chuyện. Tuy nhiên, “Inari Konkon” đã tạo được độ hấp dẫn hơn khi cho câu chuyện tình yêu này có thêm sự can thiệp của thần thánh trợ giúp. Trong manga cũng đã cho thấy những khía cạnh khác bên trong tâm hồn của Inari về cách cô ấy đã yêu Tanbabashi như thế nào, Tanbabashi đã dần dần động lòng với Inari ra sao. Tanbabashi cũng làm tốt vai trò của mình. Cậu được xây dựng là một chàng trai tuyệt vời nhưng sẵn sàng chấp nhận những khuyết điểm của Inari, quan trọng hơn là cùng cô sửa đổi nó. Theo dõi xuyên suốt có thể nhận thấy được ánh mắt mà Tanbabashi dành cho Inari đã thay đổi dần dần qua từng giai đoạn. 

Nhân vật phụ lấn át nhân vật chính

Nhân vật phụ lấn át nhân vật chính là tình trạng chúng ta đã được thấy qua không ít ở các anime, “Inari Konkon” cũng không ngoại lệ khi vô tình xây dựng dàn nhân vật phụ có khả năng áp đảo và lấn lướt hoàn toàn nhân vật chính, điển hình là nhân vật Uka. Uka có lẽ là nhân vật để lại ấn tượng sâu sắc nhất cho bộ phim hơn là Inari nhờ ngoại hình xinh đẹp và tính cách thú vị. Nhờ sự liên kết với Inari mà Uka đã tự nhiên đặt chân vào thế giới loài người và tìm hiểu những thứ xung quanh. Uka là một cô gái khá nhạy cảm và dễ bị tổn thương, cô luôn tìm kiếm tình bạn, tình yêu ở mọi nơi với mong muốn không còn cô đơn nữa. Thi thoảng, ta sẽ cảm thấy Uka đáng thương đến mức chỉ mong rằng cô ấy có thể là một con người bình thường mà không phải chịu áp lực hay ràng buộc nào khác. 

Khoảng 80% những người theo dõi “Inari Konkon” đều là vì loveline của cặp đôi Uka và Touka. Dù đây chỉ là couple phụ và không được lên sóng nhiều như couple chính nhưng lại là yếu tố chính để giữ chân người xem ở lại. Couple này nổi hơn couple chính là điều dễ hiểu vì được xây dựng tuyến tình cảm khá thú vị: người và thần, tạo được nhiều cái hay ho hơn là câu chuyện tình cảm học đường đơn thuần của Inari. Từ một cặp oan gia, trái ngược về tính cách trở nên gần gũi hơn và nảy sinh tình cảm với nhau. Touka ban đầu chỉ muốn bảo vệ Inari khỏi Uka vì nghĩ rằng Uka có ý đồ gì đó không tốt với em gái anh. Cách cả hai tương tác với nhau cực kì hài hòa khi Touka chỉ luôn muốn gây khó dễ với Uka,  thỉnh thoảng quên mất cô là một vị thần và đối xử như một người bình thường. Tuy nhiên, việc cả hai không cùng sống trong một thế giới thực sự là một điều khó khăn vì đến cuối cùng thì sự lựa chọn cũng chỉ có một. Touka đã chọn lấy Uka và trở thành thần linh, điều này đồng nghĩa với việc anh sẽ không bao giờ có thể sống cùng người thân của mình nữa, kí ức của mọi người về cái tên Touka Fushimi cũng sẽ không còn tồn tại. Một quyết định khá điên rồ nhưng lại là lựa chọn đúng đắn để anh có thể cứu lấy em gái mình và giữ lấy tình yêu của đời mình.

“Không cần biết nó to tát cỡ nào, chỉ cần có một điều gì đó con có thể làm được…thì con biết rằng con có thể làm cô ấy hạnh phúc với tư cách là một người đàn ông.”

Những nét đẹp của văn hóa Nhật Bản

“Inari Konkon” không chỉ là một bộ Shoujo một màu với yếu tố tình cảm mà nó còn mang theo những nét văn hóa tâm linh của Nhật Bản, từ những tín ngưỡng mà con người thờ phụng cho đến hình ảnh của những vị thần khác nhau được đan xen xuyên suốt bộ phim. Câu chuyện xoay quanh thành phố Kyoto xinh đẹp và lấy Thần đạo làm trụ cột cho cốt truyện chính, đồ họa của phim đã minh họa những chi tiết tuyệt vời để thể hiện rõ nét những cái đẹp cổ điển nhất của Nhật Bản. Chúng ta có thể thấy “Inari Konkon” đặc biệt tập trung vào chi tiết cánh cổng torii màu đỏ trước đền thờ Fushimi Inari (đền thờ có nổi tiếng ở Nhật Bản), họ đã cố gắng nắm bắt vẻ đẹp của nó tốt nhất có thể từ nhiều góc độ khác nhau. Những hình ảnh cổ kính của những ngôi đền được minh họa trong phim không khỏi khiến chúng ta có khao khát được đến thăm Nhật Bản để đắm mình vào vẻ đẹp thanh bình và thoát tục của nó. Câu chuyện không chỉ sử dụng bối cảnh thực tế mà còn chúng ta còn có một nhân vật chính được đặt tên theo tên của ngôi đền – Fushimi Inari. “Inari Konkon ” đã khéo léo khi quảng bá hình ảnh văn hóa Nhật Bản nổi tiếng vào bộ phim, thực sự rất tuyệt vời khi thấy được một sự kết hợp hài hòa giữa thần thoại Nhật Bản và các chủ đề về thời hiện đại. Ngoài Inari, Uka-no-Mitama-no-Kami cũng là cái tên được đặt dựa theo một vị thần có thật trong thần thoại Shinto. 

Về hình ảnh thị giác và âm thanh

Về phần hình ảnh thị giác thì nét vẽ manga thực sự không có gì đặc biệt nhưng bù lại thì biểu cảm của các nhân vật rất sống động, tự nhiên mặc dù nét vẽ vẫn còn khá đơn giản. Khi chuyển thể sang anime thì design đã có phần bắt mắt hơn, mỗi khung cảnh đều bộc lộ được tính cách tươi sáng của Inari một cách tuyệt vời. Mọi biểu cảm từ vui vẻ, thổn thức, ánh mắt hạnh phúc hay đau buồn đều được thể hiện trọn vẹn nhất có thể. Bầu không khí qua từng phân cảnh và đồ hoạ chuyển động nhân vật được thực hiện khá tốt. Manga đã làm tốt hơn anime một chút vì có đầy đủ các góc độ khác nhau và bộc lộ rõ nội tâm của nhân vật hơn là anime.

Phương ngữ Kyoto của các nhân vật là một nét đẹp và tạo thêm sức hấp dẫn độc đáo cho bộ phim. Nó gắn kết toàn bộ khía cạnh lại với nhau một cách tốt nhất và việc sử dụng tiếng địa phương khiến các cuộc đối thoại của nhân vật trở nên chân thành và gần gũi hơn. OP của “Inari Konkon” là “Kyou ni Koiiro” được thể hiện bởi May’n. Đó là một bài hát dễ thương về một người giữ lấy tình yêu đơn phương của mình nhưng không thể nói ra, chỉ có thể thì thầm điều đó với các vị thần. ED của phim là “SAVED” do Maaya Sakamoto thể hiện. Đây cũng là một bản tình ca chân thành khác nhưng được thể hiện dưới góc nhìn của Uka nhiều hơn. Bài hát thể hiện được sự trân trọng tình yêu đích thực của cô gái một cách nghiêm túc và chân thật qua giọng hát tuyệt vời của Maaya Sakamoto.

Lời kết

Tất cả các nhân vật đều đáng yêu, cả nhân vật chính lẫn nhân vật phụ. “Inari Konkon” có khá nhiều drama nhưng cũng rất giải trí vì chuỗi liên kết các sự việc của nó khá đơn giản và không bị rối não. Phim thể hiện được rất nhiều mặt tích cực và thỉnh thoảng cũng có vài phần tiêu cực nhỏ. Nhưng cảm giác thú vị, vui tươi mà bộ phim mang lại sẽ kéo chúng ta vào một bầu không khí thoải mái và dễ chịu. Xây dựng nữ chính Inari với một ngoại hình bình thường nhưng rất độc đáo, không giống như các “nữ thần” mà chúng ta thường thấy trong các bộ Shoujo điển hình. Không chỉ riêng Inari mà các nhân vật phụ khác đều có đủ đất diễn để toả sáng đúng với vai trò của mình. 

Có một điểm trừ cho “Inari Konkon” chính là độ dài của phim. Với vỏn vẹn 10 tập phim chúng ta không thể khai thác hết được các cốt truyện quan trọng và sự phát triển tính cách của nhân vật. Phần kết cũng hơi vội vàng và chưa giải quyết được hết các vấn đề vì cơ bản cho đến nay anime vẫn còn chưa được chuyển thể hết, và nếu muốn biết diễn biến tiếp theo bạn bắt buộc phải đọc manga. 

 Nhìn chung thì “Inari, konKon, Koi Iroha” là một bộ phim ấm áp, lãng mạn khiến ta bị hấp dẫn bởi sự ngây thơ và sức hấp dẫn kỳ lạ với các yếu tố tâm linh mà nó đem lại. Mỗi người chúng ta đều tin rằng tâm linh và thần thánh luôn hiện diện xung quanh mình và bộ phim cũng khuyến khích chúng ta hãy tin tưởng vào bản thân và tự tạo ra sức mạnh của chính mình hơn là dựa dẫm, phụ thuộc vào người khác. Nếu bạn yêu thích thể loại anime lãng mạn, cổ điển pha một chút yếu tố tâm linh thì đây sẽ là một bộ phim phù hợp với bạn trong những ngày này.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

What do you think?

Dàn mỹ nhân mạnh mẽ trong Chainsaw Man Season 1

Sức mạnh thật sự của cựu Quỷ cưa Pochita trong Chainsaw Man