in

5 bộ manga ẩm thực đáng đọc dành cho Food boy và Food girl

Dưới đây là 5 bộ manga đáng đọc nhất mà các Food boy và Food girl sẽ dễ dàng mê tít.

#1 Vua Đầu Bếp Souma

Nội dung: Xoay quanh nhân vật chính là Yukihira Souma - một cậu bé có ước mơ trở thành đầu bếp và chiến thắng được bố của mình. Để làm được điều đó, cậu đã vào học tại một trường đào tạo đầu bếp bậc nhất là Tootsuki. Từ đây, cậu đã học được nhiều kiến thức, kỹ năng để phát triển món ăn của mình và làm quen với nhiều người bạn mới.

Điểm mạnh: 

  • Là bộ manga Shounen nên dù là manga về ẩm thực thì nội dung cũng rất cuốn. Mạch truyện đi nhanh khiến người đọc bị hút vào các cuộc thi nấu ăn. Kỹ xảo nấu nướng được vẽ như trận đấu thực sự của chiến binh

Cảnh show kỹ năng nấu nướng mãn nhãn 

  • Truyện được đầu tư vẽ đẹp và cầu kỳ. Những cảnh show kỹ năng nấu nướng, trình bày món ăn và phản ứng của người ăn luôn là những cảnh nổi bật nhất của bộ này, khiến người đọc phải trầm trồ vì độ hoành tráng của món ăn.

Vào thời điểm 2013 - 2015, Vua Đầu Bếp Souma đã thực sự tạo được tiếng vang cho mình. Gần như không có fan manga nào mê thể loại ẩm thực mà không biết đến bộ này.

Điểm yếu:

  • Nửa đầu bộ truyện giữ được sự hào hứng của người đọc với sự lôi cuốn, các tình tiết mới liên tục xuất hiện. Tuy nhiên càng về cuối truyện thì mạch truyện lại lê thê hơn. Hết cuộc thi này đến cuộc thi khác diễn ra, có cuộc thi xuất hiện tận 2-3 lần. Kết truyện được fan đánh giá là "đầu voi đuôi chuột". Dường như tác giả đã cạn ý tưởng và cũng không được fan đón chờ nữa nên phải kết thúc lẹ lẹ cho đỡ "ỉ ôi". 

  • Không thể phủ nhận truyện vẽ đẹp và đặc sắc. Tuy nhiên màn phản ứng sau khi ăn của các nhân vật khiến cộng đồng fan thấy chán chường bởi chỉ có thoát y, thoát y, … rồi lại thoát y. Yếu tố ecchi của truyện có thể phát huy vài lần, nhưng lần nào ăn xong cũng chỉ còn cái nịt thì đúng là í ẹ thật đó nha.

Đánh giá: 7.5/10

#2 Yakitate!! Japan (Vua Bánh Mì)

Nội dung: Nam chính là Azuma Kazuma có đam mê tạo ra một loại bánh có thể trở thành biểu tượng đặc trưng của Nhật Bản. Trong quá trình cậu làm tại tiệm bánh Pantasia, cậu đã gặp gỡ được nhiều người và có những cuộc thi đấu để tìm ra người làm bánh ngon nhất.

Điểm mạnh:

  • Là bộ truyện đã ra đời cách đây 15 năm, Vua Bánh Mì là một trong những bộ manga tiên phong phát triển những cảnh diễn tả độ “phê” khi ăn. Nếu so sánh với các bộ truyện mới bây giờ thì nét vẽ của Vua Bánh Mì không thể sánh bằng. Tuy nhiên, truyện vẫn có thể coi là vẽ đẹp tại thời điểm truyện ra mắt. Các nét vẽ vẫn được trau chuốt và đầu tư, đặc biệt là cảnh bày món ăn và màn “reaction” của người ăn.

Nét vẽ của truyện vẫn được trau chuốt và đồ ăn trông vẫn ngon mắt 

  • Điểm mạnh nhất của Vua Bánh Mì là phần nội dung. Truyện có mô típ và cách phát triển diễn biến khá giống với Vua Đầu Bếp Souma. Tuy nhiên, không giống như Vua Đầu Bếp Souma, truyện vẫn giữ được độ hot cho tới chap cuối cùng. Nếu đặt 2 bộ manga Shounen về ẩm thực chung với nhau thì chắc chắn Vua Bánh Mì sẽ là lựa chọn hay hơn Vua Đầu Bếp Souma. 

  • Một điểm mạnh nữa khi so với Vua Đầu Bếp Souma là cảnh reaction sau khi ăn. Nếu Vua Đầu Bếp Souma chỉ có thoát y, thì ở đây chúng tôi có nổ tan xác, biến thành mặt nạ kịch Noh, hay thậm chí là biến thành một con đập. Những màn reaction không thể nào bùng nổ hơn (vì nổ theo nghĩa đen cmnr), mỗi lần được biến hóa một kiểu, thậm chí là mỗi người cùng ăn 1 món lại biến thành những thứ khác nhau khiến cho người đọc mong chờ và tò mò về phản ứng của các nhân vật sau khi ăn hơn. 

Màn biến hóa “khôn lường” sau khi ăn là một trong những yếu tố đem lại sự độc nhất của bộ truyện.

Điểm yếu:

Điểm yếu duy nhất của truyện có lẽ là vì chỉ xoay quanh bánh mì nên dù có trau chuốt các cảnh làm bánh và bày thành phẩm thì vẫn không thể đem lại cảm giác hoành tráng và cầu kỳ như Vua Đầu Bếp Souma. 

Tuy nhiên các bạn đừng lo. Nội dung của Vua Bánh Mì sẽ lấp được hết những khoảng trống mà truyện để lại. Và người đọc vẫn bị cuốn vào mạch truyện và trầm trồ với các kỹ năng cùng những miếng bánh rất chi là mlem mlem. 

Đánh giá: 8/10

#3 Sweetness and Lightning (Bữa Cơm Hạnh Phúc)

Nội dung: Kể về Kohei Inuzuka - một ông bố mất vợ, phải một mình nuôi cô con gái nhỏ là Tsumugi nên thường xuyên ăn cơm hộp mua bên ngoài. Sau đó, anh đã tình cờ gặp học sinh của mình - Kotori Iida và có dịp nấu ăn cùng. Từ lúc này, hai bố con Kohei và Kotori thường xuyên nấu ăn với nhau, có dịp hiểu nhau hơn và bộc lộ các khía cạnh khác trong tính cách và cuộc sống.

Sweetness and Lightning là bộ manga ẩm thực đời thường 

Điểm mạnh:

  • Phong cách nhẹ nhàng, không cầu kỳ, khiến người đọc tan chảy trong sự đáng yêu của Tsumugi và cảm động trước sự yêu thương, cố gắng của Kohei muốn nấu cho con những món ăn ngon nhất và ăn cùng con thay vì để con gái lủi thủi ăn một mình.

  • Ngay cuối chap, tác giả cũng cung cấp luôn cách làm món ăn trong chap để fan có cơ hội thực hành sau khi đọc. 

Quả thực, tác giả đã khiến bộ manga này không chỉ để giải trí mà còn có ích.

Điểm yếu:

  • Nội dung kể về đời sống thường ngày của 3 nhân vật là hai bố con và cô học sinh nên không có cao trào. Người đọc dễ bỏ lửng ở giữa vì cảm thấy không đủ cuốn.

  • Nét vẽ khá sơ sài, kể cả vẽ nhân vật hay vẽ đồ ăn. Đôi khi, con ngươi nhân vật được vẽ bằng một mớ bòng bong nhìn khá khó chịu. Tác giả nên đầu tư và trau chuốt thêm về phần nhìn thì chắc chắn sẽ ghi điểm và có đông fan hơn. 


Nét vẽ của Sweetness and Lightning khá sơ sài, không thể so bì với những Vua Đầu Bếp Souma và Vua Bánh Mì.

Đánh giá: 7/10

#4 Những chàng trai ở Lộc Phong Quán

Nội dung: Truyện nói về bốn chàng trai làm trong Lộc Phong Quán. Trong đó, Kyousui Tougoku (Sui) là chủ quán, pha trà kiêm chân chạy bàn, Tokitaka Nagae chuyên nấu chính món mặn, Tsubaki Nakao chuyên làm đồ ngọt, và Gregorio Valentino (Gure) chuyên pha chế cafe.

Điểm mạnh:

  • Nội dung cũng là thể loại nhẹ nhàng mang lại sự khoan khoái. Tuy nhiên truyện lại bù được khuyết điểm của Sweetness and Lightning ở chỗ có cao trào, có plot twist được ẩn giấu xuyên suốt mạch truyện. Điều đó mang lại cảm giác muốn gắn bó với truyện cho người đọc bởi chúng ta vừa có thể ngắm đồ ăn, ngắm zai, lại vẫn tò mò hóng về diễn biến của tập sắp tới. 

  • Nét vẽ: chỉ có một từ thôi, đó là tuyệt vời. Truyện làm được cả hai yếu tố chính là cốt truyện hay và vẽ đẹp từ nhân vật cho đến đồ ăn.

Bìa các tập truyện Những Chàng Trai Ở Lộc Phong Quán mang đến sức hút khó cưỡng cho fan thể loại ẩm thực 

  • Xây dựng nhân vật cuốn hút: một anh chàng nấu ăn dở tệ nhưng lại lên làm chủ quán, chỉ giỏi mỗi khoản pha trà và có tình yêu mãnh liệt với mèo; một anh chàng nhút nhát chỉ dám ở trong bếp nhưng tất cả đồ ngọt mà anh lên ý tưởng và làm ra đều là những gì đặc sắc nhất; một anh chàng hiền lành, chín chắn có khả năng nấu những món ăn đem lại năng lượng cho người khác; và một anh chàng pha chế điển trai với gu thẩm mỹ và những cốc cafe được trang trí với phong cách hiểu-được-chết-liền. Chỉ với bốn cá tính trên, tác giả đã mang đến một Lộc Phong Quán vừa yên bình, tươi vui nhưng không kém phần sôi động.

  • Cũng giống như Sweetness and Lighting, sau mỗi tập truyện, tác giả đã vẽ và mô tả lại chi tiết cách làm của một món ăn nổi bật trong tập để người đọc có thể thử làm theo.

Điểm yếu:

Chưa thấy!

Đây là bộ manga về ẩm thực mà tôi thích nhất cho đến thời điểm hiện tại. Không chỉ vì nét vẽ rất hiện đại mà truyện còn mang đến nhiều cảm xúc, ý nghĩa khác nhau đằng sau những món ăn.

Đánh giá: 10/10

#5 Công Chúa Nhà Bếp (Công Chúa Ẩm Thực)

Nội dung: Cũng là một tít truyện cũ về ẩm thực, truyện có nhân vật nữ chính là Najika. Cô bị mất bố mẹ và được nuôi ở Nhà Hoa oải hương ở Bắc Hải Đảo. Cô luôn nhớ về người con trai đã để lại chiếc muỗng bạc cho cô vào lúc cô suy sụp nhất. Biết được nơi có chiếc muỗng bạc đó là trường Xiha, Najika đã thi và được nhận vào trường danh giá toàn các nhân tố tài năng để tìm lại hoàng tử của mình. Từ đây, cuộc đời nấu nướng của Najika mới bắt đầu nở rộ và được nhiều người biết đến.

Công Chúa Nhà Bếp có nét vẽ đáng yêu, ngọt ngào dành cho fan Shoujo  

Điểm mạnh:

  • Nét vẽ đẹp mang đặc trưng của thể loại Shoujo. Tuy nhiên, do truyện đã ra mắt cách đây hơn 10 năm nên nét vẽ đã thuộc thế hệ cũ, không hiện đại như các bộ manga bây giờ.

  • Bên cạnh ẩm thực, cốt truyện cũng được xây dựng chắc chắn, dần lật mở được nhiều bí ẩn. Đặc biệt, truyện khai thác chủ đề tình yêu - một đặc điểm không thể thiếu ở thể loại Shoujo.

Điểm yếu:

Do là truyện Shoujo nên khắc họa nhân vật nữ chính có phần mềm yếu, hay khóc. Kèm theo đó là những cao trào rất "phim tình cảm Hàn Quốc" như nữ phụ ghen tuông, âm mưu phá hoại, crush của nữ chính chết, tình yêu giữa nam nữ chính bị gia đình nam chính phản đối,...

Tình cảm của nữ chính và nam chính vấp phải sự phản đối của gia đình nam chính.

Đánh giá: 8/10 

Trên đây là những đánh giá về 05 bộ manga ẩm thực đáng đọc nhất cho Food boy và Food girl. Hãy đọc cả 05 bộ để có những trải nghiệm riêng nhé. Mình tin chắc sau khi đọc xong, các Food boy và Food girl sẽ lăn ngay vào bếp để làm vì các món ăn trông quá ư là ngon cho coi!

What do you think?

Những bộ manga ecchi cũ nhưng “chất” [16+]

"Bộ cánh nữ" của anh chàng nào đẹp hơn?